Xây những ngôi nhà nặng nghĩa tình

Cập nhật: 13h54 | 16/10/2013

QĐND Online – Căn nhà hiu quạnh của bà Nguyễn Thị Phương (Cụm 9, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) hôm nay trở nên đông vui hơn. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày chồng bà, liệt sĩ Nguyễn Viết Toản, hi sinh tại mặt trận phía Nam, nhà mới có dịp đón nhiều khách tới thăm như vậy.

Thiếu tướng Vũ Hữu Dũng, Phó Chính ủy Học viện Quân y (bên phải) và trường Trung cấp Quân y 1 cắt băng khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa

Trong nhà, ngoài sân người dựng rạp, người tíu tít xếp bàn ghế. Bà Phương khuôn mặt hớn hở đi ra đi vào căn nhà khang trang mới xây. Đây là căn nhà do Học viện Quân y phối hợp với địa phương và gia đình vừa xây dựng để bàn giao cho gia đình bà.

Những cái bắt tay ấm áp chia sẻ mà các thành viên đoàn cán bộ Học viện Quân y và trường Trung cấp Quân y 1 dành cho bà Nguyễn Thị Phương, cũng như những người dân nơi đây như một lời chia vui, một thông điệp trao gửi tình quân đến với dân trong những ngày “Đền ơn, đáp nghĩa”.

Thiếu tướng Vũ Hữu Dũng, Phó Chính ủy Học viện Quân y cho biết: Ngôi nhà mang nặng nghĩa tình được thực hiện bởi sự cố gắng của gia đình và sự giúp đỡ của địa phương. Việc xây dựng nhà tình nghĩa tại địa phương thể hiện sự tri ân của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, Học viện Quân y nói chung và Trường Trung cấp Quân y 1 nói riêng với các gia đình có công với nước. Việc làm nhỏ bé ấy góp phần giúp các đối tượng chính sách giảm bớt khó khăn trong cuộc sống thường ngày. Chúng tôi mong muốn cùng toàn đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Không thể diễn tả hết niềm vui tột cùng trong ngôi nhà mới, bà Phạm Thị Phương (71  tuổi), không giấu nổi cảm xúc: “Từ nay, tôi không còn phải sống cảnh cô đơn trong căn nhà dột nát nữa. Niềm hạnh phúc này không diễn tả nổi thành lời, tôi chỉ biết cảm ơn bộ đội và chính quyền, bà con xã Tích Giang nhiều lắm!”.

 

“Cưới nhau được 3 ngày, tôi tiễn ông ấy lên đường vào Nam chiến đấu. Chưa kịp có với nhau mụn con nào, đã nhận tin ông ấy hi sinh (năm 1967), khi đó tôi mới 22 tuổi. Nhà không có bàn tay người đàn ông, mỗi mùa mưa bão căn nhà lụp xụp chỉ trực đổ xuống, nước từ ngoài tràn vào, từ trên dột xuống, tôi chỉ biết trông cậy vào sự giúp đỡ của bà con” – bà Phương chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Phương chia sẻ niềm vui tân gia với người chồng đã khuất

Ông Nguyễn Quý Tình, Chủ tịch UBND xã Tích Giang vui mừng nói: Mọi năm xã chỉ có thể hỗ trợ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn chống dột, chống sập. Đây là năm đầu tiên, xã có sự phối hợp với trường Trung cấp Quân y 1, Học viện Quân y xây nhà tình nghĩa. Hiện nay, số lượng đối tượng hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước ở xã Tích Giang là 231 người.

Với mỗi mái ấm trao tặng nhân dân, cán bộ, chiến sĩ quân đội không chỉ đóng góp kinh phí, làm từ thiện theo lối “phong trào” dân mà ở đó là những tấm lòng, tình cảm sâu nặng có mồ hôi, công sức của những tháng ngày lao động, gắn bó thêm tình đoàn kết quân - dân. Hơn nữa, khi mỗi ngôi nhà được hoàn thành, bàn giao, cán bộ, chiến sĩ vẫn thường xuyên lui tới, thăm nom, xem đó như mái ấm của chính mình.

Năm 2012, cùng với sự phối hợp, đóng góp của nhân dân, Học viện Quân y xây dựng 7 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 420 triệu đồng (mỗi căn trị giá 60 triệu đồng). Đây là căn nhà đầu tiên hoàn thành trong năm.

Công tác xây nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh – liệt sĩ của Học viện Quân y đã bước vào năm thứ 7 và ngày càng nhận được sự đánh giá, ghi nhận của nhân dân trên khắp địa bàn đơn vị đóng quân. Hoạt động thiết thực này, bên cạnh những hoạt động thế mạnh của Học viện là thăm, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hi sinh, cống hiến của các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh và những người có công với cách mạng.

Những bác sĩ quân y làm công tác chính sách luôn bắt đầu từ chữ “Tâm”, nhân dân và đồng đội luôn ghi nhận điều ấy. Những bác sĩ áo lính không chỉ chia sẻ những nỗi đau, sự mất mát với những người đồng chí, đồng đội mà họ luôn từng ngày, từng giờ sát cánh, chăm sóc hàng ngàn thương bệnh binh và gia đình, giúp họ với bớt những nỗi đau mà chiến tranh để lại.

Bài, ảnh: Thu Hà

TẠP CHÍ Y DƯỢC HỌC QUÂN SỰ - PHIÊN BẢN ĐIỆN TỬ
Tòa soạn: Số 160 - Đường Phùng Hưng - Quận Hà Đông - Thành phố Hà Nội
Trưởng ban biên tập tạp chí Y - Dược học Quân sự: Thiếu tướng GS. TS. Hoàng Văn Lương - Phó Giám đốc Học viện Quân y
Giấy phép số 345/GP-BVHTT ngày 08 tháng 08 năm 2002 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
® Thiết kế bởi Ban CNTT - Phòng KHQS - Học viện Quân y