HVQY: Cách đây 65 năm, ngày mồng 10 tháng 3 năm 1949, tại thôn Tuần Lũng, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, Trường Quân y sĩ Việt Nam (tiền thân của Học viện Quân y) ra đời, Thư viện của Nhà trường cũng xuất thân từ đó, ngày 25 tháng 3 năm 1949 được lấy là ngày truyền thống của Thư viện.
Phòng đọc thư viện hôm nay
Những ngày đầu sơ khai, cơ ngơi của Nhà trường chỉ có một hội trường lớn, hai căn nhà vừa là phòng ở vừa là phòng học và một nhà bếp. Tất cả chỉ làm bằng gianh, tre, nứa, lá đơn sơ. Mọi hoạt động của Nhà trường còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Vì vậy, Thư viện của Nhà trường cũng thật đơn giản. Lúc đầu, Thư viện thuộc Ban Giáo vụ Nhà trường, chỉ có một tủ sách do đồng chí Cung Bỉnh Trung phụ trách. Các tài liệu học tập chủ yếu là những bài học viên ghi chép, thầy giáo sửa lại rồi được in ra nhiều bản bằng khuôn in đất sét đã làm dẻo để làm tài liệu học tập. Các sách chuyên môn chủ yếu bằng tiếng Pháp, thầy giáo dịch và biên tập thành bài giảng tiếng Việt… Dần dần, Thư viện được bổ sung thêm các sách tham khảo của nước ngoài, đặc biệt là sách tiếng Nga; cơ sở vật chất được nâng cấp dần, kho tài liệu phong phú hơn. Phụ trách việc quản lý sách và đóng góp trong việc xây dựng Thư viện phải kể đến công lao rất lớn của đồng chí Lê Đức Chất, Nguyễn Đình Hân, Lê Thanh Thể.
Trong những ngày chiến tranh phá hoại miền Bắc, Thư viện Nhà trường cũng phải đi sơ tán. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, phải di chuyển một khối lượng sách vở nhưng công tác phục vụ bạn đọc vẫn được bảo đảm. Năm 1963, Thư viện thuộc Phòng Nghiên cứu Khoa học. Năm 1969, Ban Thư viện thuộc Phòng Huấn luyện do đồng chí Nguyễn Hữu Khanh và đồng chí Nguyễn Thế Biền phụ trách. Năm 1974, Thư viện thuộc phòng Nghiên cứu Khoa học do đồng chí Phan Thanh Trà làm Trưởng ban. Năm 1976, Thư viện sát nhập với bộ phận thông tin khoa học thành Ban Thông tin - Thư viện thuộc Ban Giám hiệu Nhà trường. Năm 1983, đồng chí Ngô Tiến Đàn làm Trưởng ban. Năm 1989, Thư viện sát nhập với Ban Thông tin Khoa học thành Ban Thư viện - Thông tin Khoa học. Năm 1992, Ban Thông tin - Thư viện sát nhập thêm Ban Biên tập và đổi tên thành Trung tâm Thông tin Tư liệu - Xuất bản khoa học do đồng chí Phạm Văn Hợp làm chỉ huy. Năm 1996, đồng chí Trần Lưu Việt phụ trách. Năm 1998, thực hiện Quyết định của Bộ Tổng Tham mưu về việc kiện toàn biên chế tổ chức các cơ quan thông tin trong toàn quân, Trung tâm Thông tin Tư liệu - Xuất bản đổi tên thành Phòng Thông tin Khoa học Công nghệ và Môi trường. Năm 2003, đồng chí Đỗ Tiến Lượng làm Trưởng phòng. Năm 2010, Phòng Thông tin Khoa học Công nghệ và Môi trường đổi tên thành Phòng Thông tin Khoa học Quân sự. Từ năm 2011 đến nay, đồng chí Nguyễn Văn Chính được bổ nhiệm làm Trưởng phòng.
Trải qua quá trình phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện; ngày nay, Thư viện Học viện Quân y đã khang trang và trưởng thành lên rất nhiều, đã thực sự là nơi giúp bạn đọc lĩnh hội tri thức của nhân loại. Hệ thống Thư viện điện tử, thư viện số, mạng tra cứu tìm tin thông qua mạng Misten và mạng Internet có thể đáp ứng mọi nhu cầu của bạn đọc đến tra cứu tài liệu. Các tài liệu được bổ sung, cập nhật, đáp ứng đầy đủ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện. Hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học đáp ứng đủ cho các đối tượng đào tạo.
“Giá trị của Thư viện không phải ở chỗ Thư viện có bao nhiêu tài nguyên thông tin mà Thư viện đáp ứng nhu cầu thông tin một cách có hiệu quả như thế nào từ nhiều nguồn ở khắp nơi thông qua công nghệ mới”. Xuất phát từ ý nghĩa thực tiễn đó, các cán bộ thư viện luôn học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, áp dụng những phương pháp hữu hiệu, khoa học, có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong Thư viện; biết định hướng nguồn tin và kỹ năng phân tích, tổng hợp nguồn tin… để phục vụ độc giả. Thư viện đã tăng cường liên kết, trao đổi thông tin với thư viện của các trường đại học Y - Dược trong cả nước, mua tài khoản Online để truy cập các cơ sở dữ liệu… Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, cán bộ, nhân viên Thư viện luôn tìm mọi cách để ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào các hoạt động của mình.
Mục tiêu chiến lược của Học viện được xác định: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, xây dựng Học viện chính quy, hiện đại trở thành trường trọng điểm quốc gia, một cơ sở đào tạo có chất lượng cao, có tiềm năng về đào tạo, nghiên cứu khoa học và điều trị”. Vì vậy, công tác Thư viện đòi hỏi ngày càng phát triển hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của Nhà trường đề ra. Với năng lực còn khiêm tốn của mình, các cán bộ Thư viện nguyện đem tất cả sự nhiệt tình, trí tuệ và sức lực thi đua hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống vinh quang của Học viện Quân y hai lần Anh hùng.
Trần Hường - Phòng Thông tin KHCN và Môi trường