Tận tâm, vượt khó vì người bệnh

Cập nhật: 13h39 | 30/12/2015

QĐND - Thầy thuốc là một nghề đặc thù. Và tôi thấy, câu nói “Lương y như từ mẫu” thật đúng với đội ngũ cán bộ, thầy thuốc, nhân viên Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y).

Thầy thuốc của khoa thăm khám, điều trị cho người bệnh. Ảnh: Minh Quang.

Những người bị bệnh bình thường, tuy đau đớn về thể xác, nhưng còn biết nói ra để mọi người hiểu, giúp đỡ, chữa trị cho mình, còn bệnh nhân tâm thần lại có những tổn thương đặc thù. Đến Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, chúng ta gặp những mặt bệnh tâm thần rất đa dạng như: Trầm cảm, hưng cảm, tâm thần phân liệt, nghiện rượu… và cả “mặt bệnh” được các bậc phụ huynh rất quan tâm hiện nay, đó là “nghiện” game online. Bệnh nhân trầm cảm thường than phiền về chứng mất ngủ, mệt mỏi, bi quan, chán nản và có thể có ý định tự sát. Ngược lại, gia đình của bệnh nhân hưng cảm lại luôn lo lắng về biểu hiện vui vẻ, tự cao quá mức của bệnh nhân; họ nói rất nhiều, luôn khoe tài, khoe giỏi về các lĩnh vực mà có thể trước đây họ… chẳng biết gì. Không ít các ông bố, bà mẹ chăm sóc con ở đây từng khóc hết nước mắt, hết lời khuyên nhủ, can ngăn những cậu ấm cô chiêu từ bỏ chơi game, tập trung vào việc học hành, nhưng không có kết quả, bởi các game thủ này sẵn sàng bỏ nhà vào một quán “net” bí mật để được “đánh nhau” với quái vật, được hành hiệp trượng nghĩa trong thế giới ảo. Còn nhiều điều lạ khác ở các bệnh nhân tại Khoa Tâm thần, như bệnh nhân sảng rượu. Trước khi vào viện, có người uống hàng lít rượu mỗi ngày, trở thành kẻ thân tàn ma dại, luôn lảm nhảm những từ vô nghĩa, chân tay run rẩy, tai luôn nghe thấy tiếng người chửi mắng, mắt thì nhìn thấy toàn các hình ảnh ghê rợn mà họ gọi là ma quỷ…

Thế nhưng, các thầy thuốc, điều dưỡng viên ở đây vẫn vui vẻ, tận tâm làm việc và yêu nghề. Không ít gia đình bệnh nhân, khi thấy con em mình đột ngột mất ngủ, nói lảm nhảm về thần thánh, ma quỷ…, đã vội vàng tìm đến thầy cúng “cao tay”, vừa tốn kém, mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Khi đến Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 chữa trị, các thầy thuốc ở đây khẳng định, chẳng có ma quỷ nào, mà bệnh nhân bị hưng cảm nặng, kèm theo chứng hoang tưởng. Sau khoảng 1 tuần điều trị tích cực, bệnh tình của họ đã thuyên giảm rõ rệt.

Trao đổi với PGS, TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm khoa, chúng tôi được biết, để có kết quả đó là nhờ sự nỗ lực lao động, cống hiến của đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây. “Chúng tôi sử dụng các thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm và các kỹ thuật hiện đại để điều trị cho bệnh nhân. Đội ngũ bác sĩ, nhất là bác sĩ trẻ, phải thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật các tiến bộ y học tâm thần vào chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân”, Chủ nhiệm khoa Bùi Quang Huy cho biết. Để minh chứng cho lời nói của mình, bác sĩ Huy giới thiệu cho chúng tôi nhiều loại thuốc mới và kỹ thuật sốc điện dưới gây mê tĩnh mạch bằng Propofol duy nhất có ở Việt Nam. Các tiến bộ kỹ thuật đó được áp dụng cho tất cả các bệnh nhân điều trị tại khoa, không phân biệt đối tượng, giúp giảm số ngày điều trị khỏi trung bình xuống còn khoảng 20 ngày.

Khoa có 25 phòng bệnh, thu dung thường xuyên 85-90 bệnh nhân nội trú và theo dõi điều trị củng cố cho khoảng 500 bệnh nhân ngoại trú là bộ đội và đối tượng bảo hiểm y tế. Đó là một khối lượng công việc rất lớn đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên của khoa. Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các thầy thuốc của khoa còn tham gia giảng dạy cho các đối tượng đại học, sau đại học...

Qua hơn 55 năm thành lập và phát triển (31-3-1960/31-3-2015), Khoa Tâm thần đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, bác sĩ, giảng viên, gồm 5 phó giáo sư, tiến sĩ, 1 bác sĩ chuyên khoa cấp 2 và 5 thạc sĩ chuyên ngành tâm thần... Một số đồng chí đã nghỉ hưu, nhưng vẫn tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh như các PGS, TS: Nguyễn Văn Ngân, Ngô Ngọc Tản, Nguyễn Sinh Phúc... Hiện nay, việc đào tạo sau đại học chuyên ngành này chủ yếu do PGS, TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và PGS, TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần gánh vác.

Được hỏi về công việc hằng ngày, PGS, TS Cao Tiến Đức không nói nhiều về mình mà đánh giá cao các điều dưỡng viên-những người trực tiếp trông nom, chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Cách làm việc chuyên nghiệp của họ chính là “bệ phóng” để khoa có thể cùng lúc hoàn thành nhiều nhiệm vụ nặng nề và phức tạp. Mỗi năm, khoa điều trị nội trú cho hơn 1.300 lượt bệnh nhân, giám định sức khỏe tâm thần cho gần 100 trường hợp; mỗi giảng viên phải đảm nhiệm khoảng 350 giờ lên lớp cho đối tượng đại học và sau đại học. Ông cũng tin tưởng đội ngũ bác sĩ trẻ sẽ nhanh chóng trưởng thành để tiếp nối truyền thống, thành tích của khoa. Được biết, năm qua, các bác sĩ trẻ đã có sáng kiến cải tiến kỹ thuật sốc điện, đoạt giải nhất Bộ Quốc phòng; hoàn thành đề tài sàng lọc bệnh nhân tâm thần trong chiến sĩ mới, được áp dụng rộng rãi ở các đơn vị quân đội.

Tiếng lành về Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 lan xa, không chỉ ở trình độ chuyên môn, y thuật, mà còn ở y đức, tận tâm đối với người bệnh. Nhiều gia đình rất tin tưởng khi đưa người nhà đến khoa để được khám, điều trị. Điều này tạo thêm động lực, niềm tin cho đội ngũ thầy thuốc của khoa, góp phần nâng cao uy tín, trình độ chuyên môn, chất lượng khám, chữa bệnh và đặc biệt là y đức, với tinh thần: Tất cả vì người bệnh.

Những việc làm tận tâm, trách nhiệm, cùng thành tích của cán bộ, thầy thuốc, nhân viên Khoa Tâm thần đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng ghi nhận. Khoa đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công và nhiều năm đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.

 HÀ PHAN 

Tin cùng chuyên mục


CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN QUÂN Y - BỘ QUỐC PHÒNG
Địa chỉ: Số 160 - Đường Phùng Hưng - Phường Phúc La - Quận Hà Đông - Thành phố Hà Nội
Trưởng ban biên tập: Trung tướng PGS. TS. Nguyễn Xuân Kiên - Giám đốc Học viện Quân y
Giấy phép số 122/GP-TTĐT ngày 23/09/2008 của Bộ TT&TT
Thiết kế bởi Ban CNTT - Phòng KHQS - Học viện Quân y
Nhà cái Thabet: https://thabet.asia/