QĐND Online - Những năm gần đây, Học viện Quân y (HVQY) đã tích cực nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), nghiên cứu khoa học (NCKH) cũng như trong thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân. Nhìn vào chặng đường 10 năm hình thành và phát triển (22/8/2006-22/8/2016) để thấy sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng của những người lính CNTT mặc áo trắng.
Hệ thống máy tính chuyên dùng thi trắc nghiệm của Học viện Quân y. Ảnh: MẠNH HÙNG.
Đột phá trong ứng dụng CNTT
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Đại tá, Thạc sĩ Lê Trung Thắng, Phó trưởng phòng Khoa học Quân sự kiêm Trưởng ban CNTT của HVQY phấn khởi thông báo: Tháng 5 vừa qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Học viện và sự phối hợp thực hiện của các cơ quan chức năng, HVQY đã triển khai ứng dụng thành công phần mềm trắc nghiệm trong kỳ thi tuyển sinh sau đại học cho đối tượng cao học và bác sĩ chuyên khoa. Đây là bước đột phá trong nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh sau đại học. Theo Đại tá Lê Trung Thắng, hệ thống phần mềm thi trắc nghiệm do Ban CNTT của Học viện lập trình, đã được triển khai ứng dụng từ năm 2001 trong kiểm tra giữa kỳ và thi hết học phần, song ứng dụng phần mềm trong thi tuyển sinh đầu vào thì đây là lần đầu tiên nên vô cùng khó khăn, phức tạp. Vì phải triển khai tại 2 địa điểm là HVQY và Trung tâm phía Nam (thuộc HVQY) nên mất nhiều thời gian, công sức chuẩn bị để bảo đảm đáp ứng yêu cầu chính xác, khách quan, đồng thời phải xây dựng và luyện tập các phương án dự phòng để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kỳ thi. Cho đến nay, có lẽ HVQY là trường đầu tiên trong quân đội, thậm chí có thể là trường đầu tiên của nước ta tổ chức kỳ thi tuyển sinh sau đại học bằng phần mềm trắc nghiệm trực tuyến.
.jpg)
Thi tuyển sinh sau đại học bằng phần mềm trắc nghiệm tại Trung tâm phía Nam của HVQY. Ảnh: MẠNH HÙNG.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài hệ thống phần mềm thi trắc nghiệm, Ban CNTT, HVQY còn có rất nhiều các sản phẩm phần mềm khác như: Trang/cổng TTĐT của HVQY và của các đơn vị thành viên, hệ thống quản lý ngân hàng câu hỏi đề thi vấn đáp và tự luận, phần mềm hỗ trợ thi tốt nghiệp lâm sàng, phần mềm quản lý điểm, các phần mềm sách điện tử và cơ sở dữ liệu bài giảng, thư viện học liệu số tích hợp, tạp chí điện tử, cơ sở dữ liệu bản đồ kỹ thuật số chuyên ngành Y - Dược, phần mềm quản lý công văn số, phần mềm quản lý nghiệp vụ công tác CNTT… đã được ứng dụng và phát huy hiệu quả rõ rệt. Nhờ ứng dụng CNTT đã nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giảng dạy; bảo đảm chính xác, khách quan, minh bạch trong thi cử, tạo động lực cho các học viên trong học tập, từ đó góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT của HVQY.
Làm chủ trong nghiên cứu, phát triển phần mềm
Theo đánh giá của Cục CNTT, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM), HVQY là đơn vị không thuộc khối nhà trường kỹ thuật, nhưng hiện nay, cán bộ Ban CNTT của Học viện đã cơ bản làm chủ được các kỹ thuật về lĩnh vực công nghệ phần mềm, đã nghiên cứu thiết kế, lập trình được hơn 30 phần mềm các loại, trong đó có nhiều phần mềm không chỉ được ứng dụng tại HVQY mà còn được ứng dụng tại một số đơn vị, nhà trường trong và ngoài quân đội. Đặc biệt, trong năm 2016, Ban CNTT đã được Cục CNTT, BTTM tin tưởng và giao nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, lập trình 03 hệ thống phần mềm ứng dụng trong lĩnh vực GD&ĐT, đạt tiêu chuẩn chất lượng có thể mở rộng dùng chung trong quân đội, trong đó có hệ thống phần mềm quản lý đào tạo theo tín chỉ với quy mô 15 phần mềm tích hợp với nhau, hiện đang chuẩn bị bắt đầu triển khai ứng dụng tại Học viện.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Ban CNTT không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNTT trong công tác, hoạt động của học viện mà đội ngũ cán bộ, nhân viên Ban CNTT còn luôn hoàn thành tốt công tác quản lý nghiệp vụ ngành và các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất khác. Cán bộ Ban CNTT đã tổ chức giảng dạy, tập huấn nâng cao trình độ ứng dụng CNTT cho hàng nghìn lượt cán bộ, giảng viên, nhân viên của HVQY. Ngoài ra, Ban CNTT còn tổ chức quản lý, duy trì hoạt động của hai hệ thống mạng máy tính với trên 1.000 nút mạng; quản lý và bảo đảm kỹ thuật cho gần 3.000 trang thiết bị CNTT trong toàn Học viện. Hằng năm, Ban CNTT còn bảo đảm cấp phát trang bị cho các cơ quan, đơn vị trong nhà trường, thực hiện trên 500 lượt sửa chữa kỹ thuật CNTT. Quản lý, duy trì chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng mạng Internet và công tác bảo đảm an toàn thông tin số tại học viện.
.jpg)
Bảo đảm kỹ thuật máy chủ và mạng máy tính tại HVQY. Ảnh: MẠNH HÙNG.
Để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, theo Đại tá Lê Trung Thắng, Ban CNTT đã chủ động nghiên cứu lập trình và triển khai ứng dụng “Hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ công tác CNTT”. Theo đó, toàn bộ công tác quản lý nghiệp vụ của Ban CNTT đã được tự động hóa và thực hiện bằng phần mềm, bao gồm tất cả các nội dung công tác: Lập kế hoạch công tác, giao ban tuần, giao nhiệm vụ cho các bộ phận, cá nhân; đánh giá, nhận xét kết quả công tác của cán bộ, nhân viên, quản lý tập huấn, đào tạo CNTT, quản lý NCKH, quản lý công văn tài liệu CNTT, quản lý kho trang bị, vật tư, kỹ thuật, quản lý mạng máy tính, quản lý hồ sơ trang bị CNTT, quản lý yêu cầu bảo đảm kỹ thuật của các cơ quan, đơn vị…
Để có được những thành công đó, cán bộ nhân viên Ban CNTT luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, thiếu thốn, không ngừng học tập, trau dồi, nâng cao trách nhiệm, nghiệp vụ, tích cực, chủ động nghiên cứu khoa học để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đến nay, Ban CNTT đã chủ trì thực hiện 17 đề tài, nhiệm vụ NCKH về chuyên ngành CNTT, tham gia 21 đề tài nghiên cứu lĩnh vực Y - Dược có nội dung, sản phẩm CNTT; 14 sản phẩm NCKH được công nhận là sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó có 01 sáng kiến cấp Bộ Quốc phòng, 11 sáng kiến cấp Bộ Tổng Tham mưu và 02 sáng kiến cấp Học viện. Ngoài ra, có 11 bài báo NCKH được đăng trên các tạp chí KH&CN.
Một tập thể chỉ “vẻn vẹn”…6 cán bộ, nhân viên, phải thực hiện cả khối lượng công việc khổng lồ, từ những lĩnh vực đòi hỏi phải tư duy trí tuệ như NCKH, lập trình, cơ sở dữ liệu, an ninh mạng, tập huấn giảng dạy… đến những công việc nặng nhọc, vất vả như sửa chữa, thi công lắp đặt mạng và các trang thiết bị CNTT… Song, ở đâu và khi nào những người lính CNTT ở HVQY cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhìn vào những bước tiến nhảy vọt, những thành công mang tính tiên phong này để thấy rằng, ngoài sự quan tâm lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc HVQY, sự phối hợp và giúp đỡ của các cơ quan chức năng thì sự nỗ lực, sáng tạo không biết mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn trong lĩnh vực CNTT là điều không thể phủ nhận. Họ đã tạo ra dấu ấn ngành CNTT trong quân đội không chỉ trong phạm vi HVQY…
Những năm qua, tập thể và nhiều cá nhân Ban CNTT, HVQY đã vinh dự giành nhiều phần thưởng, danh hiệu thi đua, nhiều Bằng khen của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu và của HVQY. 02 đồng chí được công nhận tiêu chuẩn chức danh “Nghiên cứu viên chính” và chức danh “Nghiên cứu viên”; 01 đồng chí được công nhận chức danh “Kỹ sư chính”; 03 đồng chí được chứng nhận tham gia “Cụm công trình nghiên cứu ghép tạng” và 01 đồng chí được chứng nhận tham gia “Cụm công trình nghiên cứu mô hình kết hợp Quân - Dân y phục vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong thời kỳ đổi mới” đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
|
|
TIẾN ĐẠT