Bước ra khỏi phòng làm việc, cái nóng hầm hập ngay lập tức như bấu víu vào da thịt mình. Trời cuối chiều mà vẫn xanh ngắt. Dưới sân vọng lên tiếng cười nói râm ran, huyên náo của từng tốp học viên, sinh viên đang vui chơi, luyện tập các môn thể thao.
- Chị Hoa!
Tiếng gọi làm tôi giật mình. Nhìn qua đám đông, một cô bé dáng người cao ráo, mảnh khảnh, mặc đồ blouse trắng đang chen nhanh về phía tôi.
Tôi chợt nhớ ra cuộc hẹn với một bạn học viên lớp Dài hạn Quân y 45B mà suốt 2 tuần qua bị “ Delay” nhiều lần bởi lịch học, thi và lịch trực của bạn ấy.
- Thuý phải không em?
- Vâng ạ, chị thông cảm cho em nhé, em bận quá chị ạ!
Thuý nở nụ cười tươi rói, theo tôi trở lại phòng làm việc.
Trong hình dung của tôi, em là một cô bé nhút nhát, trầm tư nhưng khi gặp gỡ, trò chuyện, Thuý tràn đầy sự hồn nhiên, sôi nổi của tuổi trẻ. Đoán được những gì tôi định hỏi, em chủ động bước vào câu chuyện cùng tôi bằng giọng nói lạc quan, rành mạch:
- Chị à, giờ mọi khó khăn với em đã đi qua rồi, em thấy việc của em trước mắt chỉ là tập trung vào học thật tốt.
Cứ như thế, em chia sẻ với tôi về những ngày tháng phía trước đầy niềm tin, trong trẻo và nhiệt huyết. Thuý của hiện tại làm tôi khó hình dung rằng cô bé mang nét xinh xắn, mỏng manh này đã đi qua một quãng đường đầy thử thách, khó khăn bằng nghị lực thật đáng cảm phục.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà có ba chị em, tại xã Hồng Ích, một vùng đất nghèo thuộc huyện miền núi Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào mấy sào ruộng. Tuy nghèo nhưng bố mẹ Thuý đã dành trọn tình yêu thương để chăm sóc, lo toan cho chị em Thuý được đến trường, được có tuổi thơ đúng nghĩa như bao đứa trẻ khác. Kể về quãng thời thơ ấu của mình, ánh mắt và giọng nói của em như muốn níu kéo lại cả khoảng trời bình yên ấy.
Thế rồi đến năm em học lớp 9, thời gian dài Thuý thấy mẹ hay bị ốm, sức khỏe của mẹ cứ yếu dần. Bố phải đưa mẹ đi lên Hà Nội khám bệnh. Ngày đó chị cả mới lấy chồng ở xa, nhà chỉ có Thúy và em trai còn nhỏ. Em nhớ rõ vào một buổi cuối chiều, đi học về chị em Thuý đã hăng hái nấu cơm, dọn dẹp sân nhà sạch sẽ chờ bố mẹ. Em đang có những câu chuyện thật vui ở trường định bụng sẽ kể cho cả nhà nghe, em mường tượng ra bữa cơm tối rộn tiếng cười của cả gia đình sẽ giúp mẹ vui và nhanh khỏe.
Trời sẩm tối thì bố đưa mẹ về. Chị em Thuý chạy ra, đứa đỡ túi xách từ tay bố, đứa dắt tay mẹ lên hiên nhà. Không khí im lặng bỗng bao trùm cả căn nhà khi em hỏi bệnh của mẹ thế nào mà không ai trả lời. Thúy lắc đôi bàn tay gầy guộc của mẹ để chờ đợi câu trả lời. Mẹ im lặng, bước những bước chân nặng nhọc về phía cái giường cũ ọp ẹp rồi ngồi thượt xuống. Giọng của Bố cắt ngang sự im lặng: “Hai đứa đừng hỏi nữa, để cho mẹ nghỉ!”. Em sợ nếu em tiếp tục thì bố sẽ bực mình nhưng trong đầu Thuý có hàng loạt câu hỏi xuất hiện, thôi thúc, em cần phải biết có chuyện gì đang xảy ra.
Em theo mẹ vào giường cố gặng hỏi lí nhí. Cậu em nhỏ xíu chạy theo chị. Trong đôi mắt hốc sâu quầng thâm và mệt mỏi của mẹ, những giọt nước mắt thi nhau trào ra mà mẹ không cưỡng lại được. Mẹ khóc, hai đứa trẻ ngốc nghếch chưa hiểu chuyện gì cứ òa khóc theo. Mẹ ôm chị em Thúy vào lòng và nghẹn ngào trong nước mắt. Mẹ dặn chị em Thuý phải ngoan, nếu mẹ có phải đi xa dài ngày để chữa bệnh thì Thúy phải thay mẹ chăm sóc em, quán xuyến việc nhà. Mẹ bảo mẹ mắc bệnh ung thư hạch. Mười lăm tuổi, Thuý chưa thể cảm nhận hết được sự tàn nhẫn của căn bệnh quái ác đó mà em chỉ thấy nỗi sợ hãi mơ hồ.
Kể từ đó, những bữa cơm sum họp gia đình ngày càng thưa thớt, thời gian là chuỗi tháng ngày dài bố em liên tiếp đưa mẹ đi điều trị tại bệnh viện K dưới Hà Nội. Sau vài lần được gặp mẹ, em thấy tóc mẹ rụng dần rồi không còn sợi nào. Những đợt hóa chất đã lấy đi của mẹ mái tóc dài mà e hay vùi đầu vào mỗi lần được nằm cạnh mẹ, lấy hết của mẹ sức sống mà trên cơ thể chỉ còn lại sự tiều tụy, héo mòn. Nỗi sợ hãi mơ hồ trong em cứ hiện hữu dần...Mọi việc trong nhà từ đồng áng, cơm nước, chăm lo cho cậu em trai còn nhỏ đều do Thuý gánh vác. Hai chị em Thuý chia nhau những bữa ăn thiếu thốn, lúc no lúc đói. Mỗi ngày như thế đi qua dài dằng dặc, em càng nhớ mẹ, càng mong mỏi, càng cố gắng để mình giống như một “người lớn” trong nhà.
Căn bệnh ung thư đã gây ra sự kiệt quệ về vật chất cũng như tinh thần cho bao gia đình có người mắc phải. Gia đình thuần nông như nhà Thuý đã nghèo nay càng khó khăn xơ xác hơn. Nhắc đến quãng thời gian đó, giọng Thuý nghẹn lại:
- Em không thể tả hết hoàn cảnh gia đình em lúc đó, tất cả chỉ gói gọn trong chữ khổ , em thấy gia đình mình lúc đó quá khổ chị ạ!
Tôi hiểu giọt nước mắt đang lăn dài trên gương mặt của em lúc này vẫn đong đầy những nhọc nhằn mà em và gia đình đã trải qua. Thời gian ấy, mỗi ngày đi qua, em cảm nhận rõ hơn về cơn đau đang hành hạ khắp cơ thể gầy yếu của mẹ, về những vất vả ngược xuôi của cha khi vừa chạy vạy vay mướn tiền bạc khắp nơi để lo chữa bệnh cho vợ, vừa đau đáu về hai đứa con nhỏ ở nhà. Hiểu được điều đó, Thuý chỉ biết gồng mình gánh vác việc nhà thay bố, cố gắng để hai chị em vẫn được đến trường. Khó khăn, thiếu thốn chồng chất lên gia đình Thuý. Đến năm thứ 3 thì căn bệnh của mẹ Thuý đã di căn khắp cơ thể. Bố đưa mẹ trở về nhà. Trong ký ức của Thuý là hình ảnh mẹ em yếu ớt nằm trên giường bệnh chống chọi với những cơn đau liên tục hành hạ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào bố, còn bố thì cố gắng rồi bất lực trước việc giành giật lại sự sống cho mẹ Thuý. Mọi cố gắng rồi cũng không thể cứu được mẹ. Mẹ Thuý ra đi khi em đang bước vào giai đoạn ôn thi gấp rút cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học và chuẩn bị thi đại học. Nỗi đau là cú sốc quá lớn với Thuý sau những ngày cơ cực của gia đình. Suốt ba năm mọi sự cố gắng của em lớn hơn sức lực và tuổi đời của em, em chỉ mong đổi lại là mẹ quay về với chị em em, với gia đình em. Mẹ bảo mẹ “đi xa dài ngày” chứ mẹ không nói là mẹ bỏ em đi xa mãi mãi. Nỗi đau quá lớn em không chứa đủ trong trái tim của mình. Thuý kể lại:
- Lúc đó em hoàn toàn mất phương hướng, không biết mình có đi học tiếp được nữa không và ngày mai mình sẽ làm gì? Chỉ còn thấy đau đớn, mất mát và hoang mang…
Mẹ đi rồi, những gánh nặng gia đình và nợ nần tiếp tục đè nặng lên vai bố. Nhìn bố còm cõi, lam lũ trong vất vả triền miên, vừa việc đồng áng vừa đi lao động thuê lấy tiền nuôi chị em Thúy và trang trải nợ nần, Thuý cảm nhận được nỗi khổ tâm của bố mình, càng thương bố, em càng thôi thúc muốn làm được điều gì đó để chia sẻ, động viên bố. Có lẽ sẽ chẳng có điều gì lớn lao hơn là em phải tạo ra niềm tin, niềm hy vọng cho bố từ chính bản thân mình. Thuý đã từng có mong muốn được trở thành bác sỹ để chữa bệnh cứu người khi chứng kiến những ngày mẹ đau đớn, tuyệt vọng trong cơn bạo bệnh. Và lúc này, quà tặng cho bố chính là việc em phải biến ước mơ trở thành sự thực. Gác lại mọi buồn đau, mông lung, Thuý lao vào học tranh thủ ngày đêm với ý chí, quyết tâm mạnh mẽ nhất. Con đường đưa em đến cổng trường đại học để chinh phục giấc mơ của mình, Thuý luôn nghĩ đến khó khăn, nợ nần mà bố mình đang gánh vác nên em đã đăng ký thi tuyển vào Học viện Quân y, bên cạnh đó Thuý cũng đã dự thi Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Thuý tâm sự rằng, gia đình em thuần nông nghiệp, chưa có ai xuất sắc trong việc học hành và em chỉ biết tin vào sự quyết tâm cao nhất của mình. Đúng như câu danh ngôn của một nhà phê bình văn học Mỹ - Pauline Kael rằng: “nơi nào có ý chí thì nơi đó có con đường”. Niềm vui vỡ oà khi em liên tiếp nhận giấy báo trúng tuyển của cả hai trường em dự thi. Từ khoảnh khắc đó cho đến bây giờ đã gần 5 năm trôi qua nhưng với Thuý, đó vẫn là quà tặng ý nghĩa nhất, niềm vui lớn lao nhất mà em đã mang lại cho bố, cho bản thân và gia đình. Em bắt đầu dệt ước mơ của mình thành hiện thực khi trở thành học viên dài hạn của Học viện Quân y. Môi trường Quân đội đã tôi luyện Thuý rắn giỏi hơn, trưởng thành hơn. Trong quá trình rèn luyện tại trường em vẫn luôn cố gắng không ngừng trong học tập cũng như mọi phong trào thi đua của trường, lớp, đơn vị: 3 năm đạt kết quả học viên giỏi, 3 năm đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 1 năm đạt chiến sỹ tiên tiến, Học bổng Mekophar 2013 (Học bổng ngành Dược), Học bổng Vallet 2015, Giải Nhì sinh viên Nghiên cứu Khoa học cấp Học viện 2015.
Nhắc tới thành tích của mình, Thuý cười bẽn lẽn:
- Em nghĩ những gì em đạt được cũng chỉ là rất nhỏ bé, còn có rất nhiều bạn khác học giỏi hơn em, nghị lực hơn em nhiều chị ạ…!
Tôi hiểu vì sao cô bác sỹ tương lai này lại được các bạn trong lớp rất quý mến. Tiếng chuông điện thoại cắt ngang giữa câu chuyện của tôi và Thúy, em hớt hải chào tôi chạy về chuẩn bị cho ca trực bên viện. Tôi cũng đứng lên ra về. Trời đã tối hẳn, đường phố sáng trưng ánh đèn, dòng người qua lại tấp nập, tiếng động cơ, còi xe ồn ào không kéo được tôi ra khỏi những suy nghĩ, cảm xúc từ câu chuyện của Thuý. Con đường trở thành Bác sỹ Quân y đang đến gần với em, những gì Thúy đạt được cùng ý chí, sự nỗ lực của mình, tôi tin rằng em luôn là niềm tự hào của gia đình, quê hương, của trường, lớp và những người xung quanh em. Hơn một năm nữa thôi Thượng sỹ Trương Thị Thuý sẽ hoàn thành ước mơ đầu tiên của mình. Hoãi bão, khát vọng của Thuý còn rộng mở ở bầu trời phía trước và em cũng sẽ không ngừng chinh phục những khó khăn, thách thức hơn nữa trên bước đường của người lính áo trắng. Nhưng sẽ luôn có một ước mơ lớn lao nhất nằm ngay trong trái tim, tâm hồn mà mọi hoài bão của em đều hướng tới, đẹp đẽ như chính tên của mảnh đất nơi Thuý được sinh ra – Hồng Ích.
Bút ký Mai Hoa, ảnh Lê Tùng – Phòng Chính trị