Đại học đã khó, SĐH càng khó hơn.
PV: Thưa GS, ông có thể giúp chúng tôi hiểu được công tác đào tạo SĐH của HVQY?
GS Lê Gia Vinh: Ngay sau khi đất nước giải phóng, HVQY đã mở các lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I (BSCKI) và chuyên khoa cấp II (BSCKII) và các năm sau đó, công tác đào tạo SĐH dần phát triển. Đến nay, Phòng Sau đại học được Đảng ủy, BGĐ giao nhiệm vụ chuyên trách quản lý, tham mưu về công tác đào tạo tiến sĩ (TS), thạc sĩ (ThS), BSCKI, BSCKII, bác sĩ nội trú (BSNT) và bác sĩ định hướng chuyên khoa (BSĐHCK). HVQY đã phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện và các cơ sở y tế hàng đầu trong cả nước tổ chức tốt công tác đào tạo SĐH, góp phần bổ sung đội ngũ cán bộ y tế chuyên sâu cho quân đội, cho ngành y tế nước nhà và các nước bạn Lào, Cam-pu-chia. Chỉ tính số NCS làm luận án TS, đến nay đã có gần 700 người bảo vệ thành công và còn hơn 300 NCS đang tiến hành công việc của mình.
PV: Tiêu chí cho việc dạy và học SĐH như thế nào, muốn học SĐH có khó không, thưa GS?
GS Lê Gia Vinh: Với người học thì học đại học đã khó, học SĐH càng khó hơn, công tác đào tạo với người dạy cũng thế. Với ngành y, học SĐH đòi hỏi phải tiếp thu được một khối lượng kiến thức khoa học khá lớn và chuyên sâu, với những nghiên cứu cả thực nghiệm và lâm sàng mà những kiến thức đó là phải được ứng dụng trong thực tiễn, bổ sung những kiến thức mới cho chính bản thân mình đã đành nhưng lại phải có đóng góp mới cho chuyên ngành đào tạo. Đặc biệt với những NCS, việc lựa chọn đề tài, sưu tầm tham khảo tài liệu, tiến hành thực nghiệm, viết, hoàn chỉnh, bảo vệ thành công đề tài luận án là cả một quá trình lao động nghiêm túc, gian khổ.
Một người tốt nghiệp đại học ở bất cứ chuyên ngành nào, muốn tiếp tục bậc học cao hơn thì đều phải hội đủ điều kiện nhất định với những tiêu chí đặt ra cụ thể. Riêng với ngành y, có những quy định chặt chẽ của Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế và học SĐH ở HVQY còn có những quy định của Bộ Quốc phòng nữa. Điều kiện thi tuyển đầu vào ở các loại hình đào tạo SĐH cũng rất nghiêm ngặt và tuân thủ đúng quy chế của Bộ. Còn đối với cơ sở đào tạo, phải có đội ngũ giảng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn gắn liền với các chuyên ngành được phép đào tạo. Riêng đối với người dạy, phải là các GS, PGS, TSKH, TS mới được hướng dẫn làm luận văn, luận án.
Đối với chúng tôi, nhiệm vụ được giao là tham mưu cho Đảng ủy, BGĐ Học viện về công tác tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động đào tạo SĐH ở Học viện và các cơ sở ngoài Học viện, bao gồm: tuyển sinh, xây dựng và thực hiện quy chế đào tạo, chương trình, kế hoạch giảng dạy-học tập lý thuyết-thực hành, thi kiểm tra, công tác phương pháp, quản lý học viên, cải tiến phương pháp giảng dạy-học tập, đánh giá kết quả học tập, tổ chức bảo vệ luận văn, luận án.
Chưa đạt thì dừng. Nếu tha thiết thì thi lại
PV: Những quy định bao giờ cũng chặt chẽ hơn thực tế, xin được phép hỏi GS, ở HVQY thì thế nào?
GS Lê Gia Vinh: Nói thế này để anh và mọi người hiểu nhé: Nghề y là một nghề đặc biệt, nghề trị bệnh cứu người, cái nghề liên quan đến sức khỏe, sinh mệnh của con người nên muốn để hành nghề tử tế thì chỉ có học mà thôi. Nói cách khác, nghề này là "làm thật" nên phải "học thật". HVQY chúng tôi đào tạo nhiều cấp học, từ y tá đến TS nên nhiều thủ trưởng, nhiều thế hệ lãnh đạo nối tiếp nhau đều khẳng định quyết tâm: bất cứ cấp học nào cũng phải "dạy thật, học thật, làm thật". Y tá kém có thể chỉ gây tác hại nhỏ nhưng bác sĩ kém thì tác hại rất lớn. Thực tế thì vẫn có người nọ, người kia, trăm người không thể "mười phân vẹn mười" nhưng tôi xin khẳng định, công tác đào tạo của chúng tôi luôn hướng tới việc nâng cao chất lượng để phấn đấu. Riêng với bậc học SĐH, phải khẳng định với các anh, chúng tôi lấy chất lượng làm đầu chứ không lấy chỉ tiêu làm mục đích. Ví dụ với các anh thế này. Năm ngoái, bậc cao học chúng tôi được 170 chỉ tiêu đào tạo, tổ chức thi, chấm chỉ có 120 người đủ điều kiện và Học viện chỉ dừng lại ở con số đó dù có những học viên rất muốn Học viện tạo điều kiện, linh động, chiếu cố nhưng tuyệt nhiên không. Chúng tôi giải thích với họ rằng: nếu các bạn còn tha thiết, còn tin tưởng vào Học viện thì các bạn hãy củng cố lại kiến thức, kinh nghiệm, sang năm lại thi tiếp! Và, thật mừng là những học viên đó năm sau đã đến thi lại và nhiều người đã trúng tuyển.
Xin nói thêm với các anh. Phần đông trong số các TS bảo vệ thành công luận án ở HVQY là cán bộ y tế dân y. Cán bộ dân y đến học tập ở Học viện có nhiều khắt khe hơn đấy. Họ phải tiếp xúc với môi trường kỷ luật nghiêm ngặt, nhỏ như ra vào cổng cũng có quy định, học tập phải đúng giờ, đâu có được tự do? Nhưng ngược lại, cán bộ dân y học SĐH tại đây rất tin tưởng và có phần yêu thích phong cách, tác phong của nhà trường quân đội, của các thầy cô giáo mặc áo lính luôn tận tình hướng dẫn, rất đúng quy chế nhưng không gây khó, dễ cho người học. Ví dụ, việc đọc và viết nhận xét luận văn, luận án có quy định về thời gian, các thầy cô thường gửi nhận xét đến sớm hoặc đúng hạn, rất ít khi học viên phải chờ đợi lâu. Như bản thân tôi, dẫu công việc có bận rộn đến đâu, tối về tôi vẫn dành thời gian thích đáng để đọc và viết các nhận xét luận văn, luận án. Có đọc kỹ mới có thể nhận xét chính xác và thấu đáo được.
Không có chuyện "Luận án kỷ niệm"
PV: Thưa GS, lại xin hỏi thực GS một câu nữa: Nhiều luận văn, luận án, khi đã được bảo vệ rồi, chủ nhân của nó "cất vào trong tủ", hay nói cách khác, làm NCS hay học SĐH là để...đánh bóng bằng cấp mà thôi, ông nghĩ thế nào?
GS Lê Gia Vinh: Những người làm khoa học chúng tôi xin nói thật: Làm khoa học khó lòng nói dối lắm. Các ngành khoa học đều cần sự chính xác, ngành y càng phải chính xác bởi như tôi nói, nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người- dù thực tế thì câu chuyện bằng cấp không thể không nói đến. Ngành y, khi làm luận án TS hay luận văn ThS và BSCKII có hai dạng: nghiên cứu y học lâm sàng (chiếm số đông) và nghiên cứu y học cơ sở (chiếm từ 15 đến 25% số học viên). Nhưng, tôi tự hào cung cấp cho anh con số đã được khảo sát thế này: Lĩnh vực lâm sàng, hầu hết các luận văn, luận án được ứng dụng trong thực tiễn, góp phần quan trọng trong công tác phòng bệnh, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Các đề tài y học cơ sở thì mang ý nghĩa thiết thực trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nâng cao kiến thức và làm cơ sở quan trọng cho các nghiên cứu lâm sàng.
Không phủ nhận chuyện có người đã trở thành TS, ThS, BSCKI, BSCKII thì đã bằng lòng, không tiếp tục vươn lên, nhưng phần lớn các học viên SĐH đã tốt nghiệp từ HVQY đều phát huy vai trò của mình, phấn đấu, cống hiến cho sự phát triển của y học và y tế. Nhiều đồng chí trưởng thành, trở thành các nhà khoa học đầu ngành, lãnh đạo, chỉ huy các bệnh viện, trung tâm, sở y tế và cả cương vị lãnh đạo Bộ. Tôi xin khẳng định, rất hiếm luận văn, luận án y học chỉ để làm vật "kỷ niệm" hay đồ "trang sức" đâu.
PV: Vậy, các biện pháp nào để nâng cao chất lượng đào tạo SĐH ở HVQY?
GS Lê Gia Vinh: Công bằng mà nói, chúng tôi còn những khiếm khuyết ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cần phải khắc phục. Để làm được điều đó, Học viện phải tiến hành đồng bộ các biện pháp. Trong đó, tập trung vào các biện pháp quan trọng như: Tất cả các khâu, các cấp, các đối tượng đều phải tuân thủ, chấp hành nghiêm quy chế, theo quy trình chuẩn từ Bộ đến Học viện. Công tác dạy và học phải nghiêm túc, đánh giá, kiểm tra thực chất, gắn liền đào tạo với nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu của thực tế. Điều này gần đây đang được thực hiện ngày càng tốt hơn nhờ có công tác khảo thí thực hiện giám sát toàn bộ chương trình, kế hoạch, quy chế đào tạo cả lý thuyết và lâm sàng. Đồng thời liên tục đổi mới, đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Ở Học viện, chúng tôi đã có nhiều cuộc hội thảo chuyên đề để tìm các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nói chung, đào tạo SĐH nói riêng: như Hội nghị "30 năm đào tạo tiến sĩ tại HVQY" (năm 2009), Hội thảo "Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tao?" (năm 2010), "Đào tạo SĐH theo học chế tín chỉ" (năm 2011), "Chuyên đề về biên soạn sách và giáo trình" (sẽ tổ chức năm 2012)... Vấn đề đánh giá kết quả học tập trong đào tạo SĐH theo tín chỉ cũng luôn được Học viện chú trọng để đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, công bằng trong thi cử, sẽ có tác động tích cực trở lại người học, tạo cho người học thói quen, phẩm chất làm việc nghiêm túc sau này...
PV: Xin cảm ơn GS và kính chúc ông cũng như công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, điều trị nói chung, công tác đào tạo SĐH của HVQY nói riêng ngày càng gặt hái nhiều thành công hơn nữa, xứng đáng là một trung tâm y học hàng đầu của đất nước!
Anh Thu-Xuân Dũng – Báo QĐND