Tôi đến phòng bệnh Khoa Ngoại Bụng (B2) - Bệnh viện 103, khi ông Hoàng Thanh Cần đang chuẩn bị về nhà. Nhìn người đàn ông cao gầy, da ngăm đen, cười rất tươi, ít ai nghĩ rằng trước đó, người ta đưa ông từ huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa ra Bệnh viện 103 trong tình trạng rất bi đát: người mệt mỏi, thể trạng rất yếu do không ăn uống được, da vàng và mắt cũng vàng.
Tiến sĩ Bùi Tuấn Anh - người đứng phía trước đang cùng kíp mổ nội soi
Bệnh nhân được làm các xét nghiệm, xét nghiệm sinh hóa thấy Bilirubin trong máu tăng cao, siêu âm và chụp CT-Scanner thấy đường mật giãn toàn bộ và có hình ảnh u đầu tụy. Bệnh nhân bị tắc ống mật chủ do bị u đầu tụy chèn ép. Nếu không xử lý kịp thời sẽ bị tắc mật nhiễm độc toàn thân, dẫn đến suy gan, suy thận, suy đa tạng, gây tử vong ngay cả khi chưa xuất hiện các dấu hiệu di căn.
Cắt bỏ khối tá – tụy bằng mổ mở là loại phẫu thuật phức tạp nhất trong các phẫu thuật về ổ bụng. Cắt bỏ khối tá-tụy bằng phẫu thuật nội soi càng đòi hỏi ở phẫu thuật viên những kinh nghiệm, kỹ năng thực hành tốt và chiến thuật xử lý rất tinh tế.
Ông Cần đã được các bác sỹ Khoa B2 - Bệnh viện 103 hội chẩn và quyết định phẫu thuật để cắt bỏ khối u đầu tụy và tá tràng gọi tắt là khối tá - tụy bằng phương pháp mổ nội soi. Thượng tá Tiến sỹ Bùi Tuấn Anh – được phân công mổ chính cho bệnh nhân Hoàng Thanh Cần, đây là đề tài anh tâm đắc, ấp ủ từ lâu. Tiến sỹ Đỗ Sơn Hà và thạc sỹ Hồ Chí Thanh mổ phụ. Bác sỹ Tuấn Anh cùng với kíp mổ và kíp kỹ thuật gây mê, đã tiến hành cắt bỏ khối u cùng với đầu tụy và tá tràng, kèm theo cắt bỏ túi mật và 1 phần hang vị. Ca mổ đã thành công như mong muốn. Sau 3 giờ, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn. Khác với những ca mổ mở thông thường, mổ nội soi có ưu việt là bệnh nhân không sốt, đau ít nên 2 ngày sau bệnh nhân đã trung tiện được và bắt đầu cảm giác thấy đói bụng. Ngày thứ 4 sau mổ bệnh nhân tự ngồi dậy, tập đi vào ngày thứ 5 sau mổ, và 1 tuần sau bệnh nhân được cắt chỉ, ra viện. Thượng tá, tiến sỹ Bùi Tuấn Anh đã hoàn thành ca mổ chỉ mất 4g15 phút, kỹ thuật này cũng đã được triển khai ở Bệnh viện Việt Đức, thời gian cho mỗi ca là 6,5 giờ. Bệnh này trước đây vẫn được phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở, nhưng tỷ lệ tử vong còn khá cao; bệnh nhân dễ mất nhiều máu, đau đớn, xâm nhập lớn dẫn đến tổn hại cơ thể, nhiều biến chứng, chậm hồi phục, vết thương lâu lành, thời gian điều trị hậu phẫu kéo dài và phức tạp, phải dùng nhiều thuốc, chi phí cho một ca mổ sẽ rất cao.
Ca phẫu thuật nội soi cắt khối u tá-tụy đầu tiên thực hiện tại Bệnh viện 103 thành công đã mở ra một hướng nghiên cứu mới rất khả quan, để chứng minh cho tính hiệu quả và an toàn của phẫu thuật nội soi ổ bụng và khả năng ứng dụng rộng rãi của nó, kể cả đối với những trường hợp bệnh lý phức tạp.
Thượng tá Bùi Tuấn Anh là một bác sĩ còn rất trẻ về tuổi đời, anh không muốn dừng lại với những kỹ thuật truyền thống mà luôn tìm tòi, ham mê nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật y học hiện đại để điều trị bệnh nhân. Năm 2004, bác sỹ Tuấn Anh được cử đi học kỹ thuật phẫu thuật nội soi ở Singapore, về nước, anh đã khởi xướng và trực tiếp cùng đồng nghiệp thực hiện nhiều kỹ thuật phẫu thuật nội soi tiêu hóa ở Bệnh viện 103, trong đó có những kỹ thuật khó, chuyên sâu như: nội soi tán sỏi xuyên gan qua da, cắt thực quản nội soi, cắt toàn bộ đại trực tràng nội soi, cắt lách nội soi, phẫu thuật nội soi sỏi mật mổ lại, phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn không dùng mesh...
Người viết bài báo nhỏ này cho rằng: Thêm một kỹ thuật mới: Mổ cắt khối tá - tụy bằng phẫu thuật nội soi trước hết niềm vui thuộc về người bệnh, nhất là những nông dân nghèo đi viện, sau đó mới thuộc về những người bác sĩ ở Bệnh viện 103 - những người thực hiện sáng tạo kỹ thuật mới mẻ này.
Nguyễn Nhật Minh