Đặc thù lao động của ngành Y tế liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người là ngành nhân đạo (thầy thuốc), vì vậy đòi hỏi người cán bộ y tế phải tinh thông nghề nghiệp, phải có lương tâm nghề nghiệp, phải được đào tạo nghiêm túc với thời gian dài hơn các ngành khác (6 năm học đại học sau đó phải học 1 năm chuyên khoa định hướng, 2 năm chuyên khoa cấp I rồi 2 năm chuyên khoa cấp II thành 11 năm hoặc 1 năm chuyên khoa định hướng, 2 năm thạc sĩ mới hành nghề giỏi được).
Lao động ngành Y là loại lao động đặc thù, gắn với trách nhiệm cao trước sức khỏe của con người và tính mạng của người bệnh. Là lao động hết sức khẩn trương giành giật từng giây từng phút trước tử thần để cứu tính mạng người bệnh. Là lao động liên tục cả ngày đêm, diễn ra trong điều điện không phù hợp của quy luật sinh lý con người làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe nhân viên y tế, trực đêm, ngủ ngày và ngược lại. Lao động trong môi trường không thuận lợi, không phù hợp với tâm lý con người. Tiếp xúc với người bệnh đau đớn, bệnh tật, độc hại, lây nhiễm, hóa chất, chất thải môi trường bệnh viện. Là lao động cực nhọc căng thẳng (đứng mổ hàng chục tiếng đồng hồ, tiếp xúc với tác nhân gây bệnh lây, lao, phong, HIV...) Chịu sức ép nặng nề của dư luận xã hội, thái độ hành vi không đúng của người bệnh và người nhà bệnh nhân khi không thỏa mãn nhu cầu của họ trong khi điều kiện đáp ứng không có, người thầy thuốc không thể thực hiện được.
Là loại lao động luôn tiếp xúc với những người có sức khỏe về thể chất và tinh thần không bình thường. Người bệnh là người có tổn thương về thể chất và tinh thần, họ luôn lo lắng bức xúc với tình trạng bệnh tật của mình. Vì vậy, họ buồn phiền, cáu gắt dễ có phản ứng phức tạp, nếu như trình độ nhận thức hiểu biết chưa tốt, thiếu giáo dục, thiếu bản lĩnh thì họ sẽ có những hành vi không đúng mức với thầy thuốc - những người đang tìm cách cứu sống họ. Khi trong gia đình có người bị bệnh, cả nhà lo lắng đưa người bệnh đến cơ sở y tế, họ yêu cầu người thầy thuốc và bệnh viện quá mức trong lúc đáp ứng của bệnh viện không có thể, họ coi trách nhiệm của bệnh viện là phải đáp ứng nhu cầu của họ mà không thấy trách nhiệm của mình là phải hợp tác với bệnh viện để tìm mọi cách tốt nhất điều trị người bệnh. Do đó dễ gây thắc mắc, căng thẳng giữa thầy thuốc và người bệnh. Vì vậy, đối với ngành Y tế, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi phải phấn đấu cao hơn và quan tâm sâu sắc hơn. Hơn nửa thế kỷ, qua các thế hệ thầy thuốc và nhân viên y tế trên mọi miền của đất nước đã tận tụy hy sinh trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân qua các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc cũng như trong thời kỳ hoà bình xây dựng đất nước. Bằng trí tuệ và lòng yêu nước vô hạn và tình nhân ái sâu sắc, hàng vạn cán bộ y tế nhiều thế hệ đã thầm lặng chiến đấu không mệt mỏi, ngày đêm chăm sóc người bệnh cứu sống hàng triệu sinh mạng con người, dập tắt kịp thời nhiều vụ dịch nguy hiểm, hạ tỷ lệ tử vong, nâng cao tuổi thọ trung bình cho người Việt Nam, tổ chức mạng lưới y tế rộng khắp từ đồng bằng đến miền núi, từ thành thị đến nông thôn kể cả những nơi hải đảo xa xôi hẻo lánh để phục vụ nhân dân phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đào tạo nhiều cán bộ có chất lượng cho ngành ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân, cử nhiều chuyên gia phục vụ sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong các nước. Dù bất kỳ ở đâu các thế hệ thầy thuốc Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần phục vụ, thực hiện tốt đạo đức y tế phục vụ người bệnh với trách nhiệm cao xây dựng ngành Y tế phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, khi chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, nhu cầu khám chữa bệnh bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tăng cao, trong lúc kinh phí dành cho ngành Y tế có hạn, đời sống cán bộ y tế quá khó khăn, điều kiện đáp ứng thiếu thốn, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng cao trong lúc điều kiện đáp ứng thiếu thốn, ngành Y tế đã phấn đấu nỗ lực hết sức mình để duy trì hoạt động đẩy mạnh công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trình độ cán bộ y tế được nâng cao, kỹ thuật hiện đại được áp dụng, các máy móc trang thiết bị được bổ sung, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao rõ rệt, nhiều bệnh hiểm nghèo trước đây phải chuyển ra nước ngoài thì ngày nay đã giải quyết được ở trong nước. Tuy nhiên, so với nhu cầu thì chúng ta chưa có đủ điều kiện để đáp ứng. Vì vậy, không khỏi có những tiêu cực xảy ra vi phạm đạo đức y học của một số ít cán bộ y tế đòi hỏi chúng ta phải luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện để giảm bớt những tiêu cực làm ảnh hưởng đến thanh danh của người thầy thuốc. Với thực trạng trên, để nâng cao vấn đề y đức, chúng ta cần tăng cường thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho nhân viên y tế:
Đối với nhân viên y tế: cần tuyên truyền giáo dục để mỗi người nhân viên y tế nhận thức một cách sâu sắc về ý nghĩa cao quý của nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn, có lòng yêu ngành yêu nghề, với đạo đức, trách nhiệm và tình yêu thương chia sẻ với các đối tượng bệnh nhân. Luôn có tinh thần học hỏi nâng cao tay nghề chuyên môn, trau dồi đạo đức lối sống, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”.
Đối với người bệnh và người dân: Cần tuyên truyền sâu rộng những kiến thức về phòng và chữa bệnh tật, những chế độ chính sách xã hội, bảo hiểm y tế, quyền lợi và nghĩa vụ, để người dân thông cảm và hợp tác với nhân viên y tế khi tham gia khám chữa bệnh.
Hai là, nhóm giải pháp về Tổ chức - Nhân lực - Đào tạo:
Nâng quy mô giường bệnh cho các cơ sở y tế. Phát triển các bệnh viện chuyên khoa hiện có và hoàn thiện hệ thống bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh. Bảo đảm nguồn nhân lực đủ về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng. Đa dạng hóa nguồn nhân lực thông qua hợp đồng với cán bộ hưu trí còn đủ sức khỏe, huy động mạng lưới hành nghề y dược tư nhân, cộng tác viên và nhân viên sức khỏe cộng đồng. Nâng cao chất lượng chuyên môn với hình thức đào tạo tại chỗ. Chăm lo tốt đời sống của cán bộ công nhân viên về tinh thần và vật chất, để họ yên tâm tận tình phục vụ người bệnh. Trong 5 năm tới, ngành Y tế cần tập trung giải quyết các vấn đề an ninh trong môi trường bệnh viện; chăm lo cho những người bị phơi nhiễm, bị bệnh nghề nghiệp, nhà ở tập thể cho cán bộ công chức có thu nhập thấp, phương tiện đưa đón đối với những cán bộ công chức ở xa nơi làm việc, cải thiện chế độ phụ cấp, bồi dưỡng, nhất là đối với điều dưỡng, hộ lý và đối với những cơ sở y tế tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa; đồng thời có chế độ khuyến khích, thu hút đối với nguồn nhân lực cao.
Ba là, nhóm giải pháp về chuyên môn:
Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị để giảm tải cho bệnh viện tuyến tỉnh. Tập trung phát triển một số kỹ thuật mới và hiện đại tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật để phát huy trí tuệ của toàn ngành. Mở rộng hợp tác quốc tế nhằm mục đích: tăng cường mối quan hệ song phương, chuyển giao các tiến bộ khoa học, đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, mở rộng liên doanh liên kết, tranh thủ sự giúp đỡ nhân đạo của các tổ chức quốc tế và chuẩn bị cho quá trình hội nhập.
Bốn là, nhóm giải pháp về đầu tư và tăng cường công tác quản lý nhà nước:
Thực hiện đa dạng hóa các dịch vụ khám chữa bệnh. Huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong và ngoài ngành, để cùng đầu tư mua sắm trang thiết bị, bằng nhiều hình thức khác nhau như: bán công, hợp tác, góp vốn, thuê mướn… hình thành hệ thống các bệnh viện tư nhân. Tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra về khám chữa bệnh. Xây dựng các quy trình, quy phạm trong quản lý chuyên môn, đặc biệt đối với những khâu liên quan trực tiếp tới sinh mạng bệnh nhân như cấp cứu, hồi sức, phẫu thuật, sinh đẻ. Làm tốt công tác thi đua khen thưởng, kịp thời động viên những tấm gương tận tụy phục vụ người bệnh đồng thời xử lý nghiêm minh những biểu hiện thiếu trách nhiệm và gây phiền hà cho người bệnh, ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Trong sự phát triển đi lên của xã hội nói chung và sự phát triển của ngành Y tế nói riêng, giữa những khó khăn và thách thức để tồn tại và phát triển, y đức và chất lượng khám chữa bệnh được coi là vấn đề cốt lõi của toàn ngành Y tế. Trong thời gian qua, chúng ta không phủ nhận trong đội ngũ những người thầy thuốc, vẫn còn những điều vướng bận ở nơi này hay nơi khác, nhưng họ đã có những sự đóng góp và hy sinh thầm lặng cho sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân, cho sự phát triển đi lên của toàn xã hội. Trước những thách thức của cuộc sống, bệnh tật ngày càng nhiều, xã hội cần sự tận tình, chia sẻ nhiều hơn nữa của đội ngũ y bác sĩ để nâng cao vấn đề y đức và chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Có như vậy chúng ta mới thấm nhuần câu nói của Hải Thượng Lãn Ông “Không có nghề nào đạo đức bằng nghề y và không nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức.
Hồ Hưng