Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất thuốc (Học viện Quân y) vừa nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất thuốc từ lá cây sến mật để điều trị bỏng.
Sản phẩm đang được Xí nghiệp dược phẩm Quân đội 120 (Bộ Quốc phòng) tiến hành các thủ tục chuyển giao công nghệ để sản xuất, lưu hành trên toàn quốc
4000 bệnh nhân bỏng mỗi năm
Khoác lên mình chiếc áo blu trắng, tôi được TS. Nguyễn Như Lâm, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng quốc gia dẫn vào phòng bệnh. Gặp chị Hoàng Thị Lựu, ở Ân Thi, Hưng Yên đang chăm sóc chồng, chị sụt sùi kể: “đang lúc tôi vôi, do đất trơn trượt, anh ấy sơ ý, trượt chân xuống lò vôi đang sôi sùng sục. Cũng may, mọi người đừng gần đó túm được tay nên không bị sa hẳn người xuống. Nếu không, không biết hậu quả sẽ như thế nào. Nhập viện, các bác sĩ kết luận, chồng tôi bị bỏng gần 40%”.
Ở giường bên cạnh, anh Nguyễn Việt Hưng ở Ba Vì, Hà Nội cũng bị bỏng gần kín toàn thân đang thiêm thiếp ngủ. Ngồi cạnh mép giường, bà Nguyễn Thị Mỳ đang thoa lớp mỡ đen quánh lên vết thương của con trai, nói: “Nó đi làm ở công ty xi măng chưa được 2 tháng đã bị tai nạn. Bác sĩ bảo nó chỉ bị bỏng độ 2. Nhưng tôi lo quá, nhà chỉ có nó là lao động chính, còn 2 em đang ăn học. Không biết sau này nó có được đi làm lại không?”.
TS. Nguyễn Như Lâm cho biết: hầu hết những bệnh nhân vào khoa này bị bỏng từ 40% trở lên, có người bị bỏng tới 80%. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đều do bất cẩn, bị tai nạn có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Theo TS. Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Viện Bỏng quốc gia, mỗi năm có khoảng 4.000 bệnh nhân nhập viện. Ngay trong tháng 12/2008, có khoảng trên 150 ca bỏng được đưa về đây điều trị, trong đó khoảng ¼ bị bỏng sâu. Trước đây, các ca bị bỏng sâu rất dễ tử vong do thiếu những loại thuốc đặc hiệu.
Bài thuốc của gần 20 năm nghiên cứu
Từ xưa, dân gian đã dùng lá sến mật để đắp, trị vết bỏng. Trên cơ sở đó, từ năm 1987, trong chuyến đi khảo sát khoa học tại khu rừng sến thuộc xã Tam Quy, Hà Trung, Thanh Hóa, GS.TS. Lê Thế Trung và cộng sự đã nghiên cứu, thăm dò về lá sến và dầu quả sến để sử dụng trong y học. Trên cơ sở khảo sát này, từ năm 1990, các nhà khoa học thuộc Học viện Quân y thực hiện đề tài nghiên cứu cao lá sến, dầu sến làm thuốc chữa bỏng, chữa vết thương. Và họ đã tạo ra loại thuốc mỡ trị bỏng từ cây sến mật.
Tuy nhiên, phải đến năm 1998, lá sến mật mới tiếp tục được nghiên cứu, bào chế thành thuốc mỡ Maduxin để điều trị thử nghiệm cho bệnh nhân tại Viện Bỏng quốc gia. Kết quả cho thấy, thuốc Maduxin có tác dụng chuyển hoại tử ướt thành hoại tử khô sau 4 - 6 ngày đắp thuốc. Theo TS. Nguyễn Gia Tiến, Phó Giám đốc Viện Bỏng quốc gia, đối với bỏng sâu độ 4, việc làm khô vết thương sẽ giúp vết thương mau lành. Với những bệnh nhân bị bỏng nông từ 10%, mỗi ngày phải sử dụng ít nhất một hộp. So với sản phẩm của Ấn Độ, Pháp, Maduxin có giá thành giảm từ 30-60%. “Với những gia đình có thu nhập thấp, điều trị bằng thuốc Maduxin sẽ giảm đáng kể chi phí toàn bộ quá trình điều trị”, PGS.TS. Nguyễn Gia Tiến khẳng định.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng thuốc, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, năm 2002, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất thuốc (Học viện Quân y) tiếp tục xây dựng dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thuốc mỡ Maduxin từ lá cây sến mật để điều trị vết thương, vết bỏng”. Sau 2 năm triển khai, các nhà khoa học đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất cao đặc và thuốc mỡ Maduxin theo quy mô phòng thí nghiệm với công suất 35-50kg một mẻ. Thạc sĩ Vũ Bình Dương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất thuốc cho biết: Hiện, Xí nghiệp Dược phẩm Quân đội 120 (Bộ Quốc phòng) đang nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để sản xuất đại trà, lưu hành sản phẩm trên toàn quốc.
Cây sến mật có tên khoa học Madhuca pasquieri, thuộc họ Hồng xiêm. Đây là cây gỗ lớn, cao tới 30- 35m. Trong lá sến mật có hàm lượng tanin và flavonoid cao, có tác dụng diệt khuẩn mủ xanh. Nhờ vậy, các vết thương, vết bỏng không bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, các hoạt chất trong lá sến mật còn có tác dụng tái tạo mô, làm liền vết thương bỏng nông nhanh chóng, tạo màng che phủ vết thương. |