Bị hoại tử da vì rắn độc cắn

Cập nhật: 7h56 | 26/10/2010

Vào khoa bỏng trẻ em tại Viện Bỏng Quốc gia, không ít người cầm được nước mắt vì tiếng kêu khóc của những đứa trẻ bị bỏng. Có nhiều em băng bó chằng quanh người, miệng không ngớt kêu đau đớn.

Null

Em Trần Thị Thoa (12 tuổi, Vĩnh Yên, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) còn mặc nguyên bộ đồng phục học sinh nằm trên giường bệnh. Em mệt lả vì đau đớn sau ca phẫu thuật vừa trải qua. Bằng giọng nói vẫn còn yếu ớt của mình, em khẽ giọng gọi mẹ như muốn được chia sẻ bớt nỗi đau đớn từ bàn tay người thân.

Mẹ em kể, trưa hôm đó đi học về, trên đường đi qua một cánh đồng thì gặp rắn, các em tưởng rắn nước nên lấy que chọc con rắn. Không ngờ con rắn quay đầu lại cắn Thoa. Về nhà thấy vết thương khá lành, nghĩ rắn nước căn nên gia đình chỉ nặn máu độc. Đến tối, khi em kêu đau thì mẹ em lên nhà ông lang mua ít thuốc nam về sắc cho em uống và lấy lá đắp vào vết cắn.

Đến tối, em bị nôn ói và sốt cao. Gia đình đưa em vào bệnh viện tỉnh thì được giới thiệu lên Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội cứu chữa. Sau khi giải độc, tính mạng không còn nguy hiểm nên các bác sĩ ở trung tâm giới thiệu em sang Viện Bỏng Quốc gia. Em Thoa sẽ phải trải qua 4 lần phẫu thuật khoét phần da hỏng và ghép da. Phần tay của em bị hoại tử nặng. Từ hôm nhập viện đến nay, Thoa chưa ăn uống được gì nên người càng gầy hơn.

Nằm cùng khoa điều trị với em Thoa là Nguyễn Văn An (5 tuổi, Lâm Thao, Phú Thọ). An luôn miệng đòi ông cho về nhà và kêu khóc. Chị Hường - mẹ của An cho biết, lúc nào cháu cũng khóc vì đau đớn. An chỉ ngủ khi đã mệt vì vết thương. Chị Hường chỉ ước gì mình có thể đau thay con vì cháu còn quá nhỏ để hứng chịu nỗi đau này.

Bé An từ khi sinh ra chưa một lần phải đi viện, cháu lớn, ăn khỏe và rất hiếu động. Trong một lần cùng đám bạn ra vầy nước, An bị rắn cắn. Về cháu kêu đau nên gia đình đưa đến thầy lang cắt thuốc giải độc. Sau khi uống thuốc, cháu An bị sốt cao và được bệnh viện tỉnh giới thiệu lên trung tâm chống độc. Tương tự Thoa, bé An cũng bị hoại tử chân vì vết rắn cắn. An đã phẫu thuật khoét hoại tử.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hải An – Phó chủ nhiệm khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng Quốc gia, hầu hết các em đều được Bệnh viện Bạch Mai chuyển sang phẫu thuật ghép da. Gần đây, số ca trẻ em bị rắn độc cắn dẫn đến hoại tử tay chân đang tăng.

Rất nhiều trường hợp khi bị rắn cắn không đi bệnh viện ngay mà còn ở nhà chữa theo kinh nghiệm dân gian, gia truyền. Bác sĩ An nhớ có bệnh nhân bị rắn cắn không đưa đi bệnh viện mà ở nhà chữa bằng thuốc nam. Sau đó bệnh nhân cứng hàm không cử động được thì gia đình mới đưa đi bệnh viện. Khi bệnh nhân đã cứng hàm lại thì nguy cơ tử vong rất cao.

Hầu hết những bệnh nhân bị hoại tử vùng da bị rắn cắn đều phải trải qua 3 đến 4 cuộc phẫu thuật. Nhiều bệnh nhân đến bệnh viện muộn khi vùng da đã hoại tử đã có mùi hôi thối, nhiều trường hợp hoại tử sâu phải cắt bỏ tay, chân.

Theo TS Phạm Duệ (Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai), ngay khi bị rắn cắn, chưa biết đó là rắn lành hay độc, ta vẫn phải xử trí như đối với rắn độc.

Cho bệnh nhân nằm nghỉ, không vận động nhiều, vì những cử động sẽ làm máu lưu thông nhiều, nhanh, khiến cơ thể hấp thu chất độc nhanh. Dùng cồn và các dung dịch sát khuẩn rửa sạch vết thương nhằm chống nhiễm trùng và làm trôi bớt độc tố. Sau đó, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay. Việc điều trị sẽ có hiệu quả cao nếu được tiến hành ngay trong giờ đầu sau khi tai nạn xảy ra. Nếu để sau 24-48 giờ, hiệu quả chữa trị sẽ rất kém.

Bệnh nhân và người nhà nếu nhìn thấy con rắn thì nên mô tả với bác sĩ, hoặc nếu đánh chết được rắn thì mang theo để bác sĩ biết loại rắn nào cắn và xác định hướng điều trị thích hợp.

Theo báo KH&ĐS

Tin cùng chuyên mục


CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN QUÂN Y - BỘ QUỐC PHÒNG
Địa chỉ: Số 160 - Đường Phùng Hưng - Phường Phúc La - Quận Hà Đông - Thành phố Hà Nội
Trưởng ban biên tập: Trung tướng PGS. TS. Nguyễn Xuân Kiên - Giám đốc Học viện Quân y
Giấy phép số 122/GP-TTĐT ngày 23/09/2008 của Bộ TT&TT
Thiết kế bởi Ban CNTT - Phòng KHQS - Học viện Quân y
Nhà cái Thabet: https://thabet.asia/