Phút trầm ngâm của anh Dũng bắt đầu bằng câu chuyện “nải chuối và chiếc phong bì”. Một lần, anh đã nhận quà là nải chuối của người nông dân nghèo đến mức không có dép đi, cắt vội trong vườn để cảm ơn các bác sĩ sau ca mổ. Hình ảnh đó đã găm sâu vào ký ức người Giám đốc Bệnh viện Quân y 5, để một ngày anh viết: “Ba không, ba nên”...
Nếu ai từng đến Bệnh viện Quân y 5 vào thập niên 1990 và bây giờ có dịp trở lại, sẽ thấy sự đổi thay như một “cuộc cách mạng số”. Và hẳn, mọi người ở đây sẽ không quên nhắc tới thầy thuốc Vũ Hữu Dũng, người được ví đã chèo lái con thuyền đang chao đảo trong giông bão, cập bến an toàn.
Ấy là câu chuyện của năm 2002, anh Dũng được bổ nhiệm làm giám đốc, chỉ sau 9 tháng giữ chức vụ Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 5. Trước đó, năm 1985, bệnh viện từng được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, nhưng đến cuối thập niên 1990 thì ngày càng... đi xuống. Từ bệnh viện Anh hùng trở thành bệnh viện suýt bị... giải thể. Chèo lái ra sao? Bắt đầu từ đâu? Tất cả trăm mối tơ vò với tân giám đốc.
Với mục đích siết chặt quản lý, tìm và ngăn chặn tận gốc của sự xuống cấp bằng cách áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để “dân chủ, công khai”. Và, anh Dũng cho triển khai xây dựng ý tưởng “phần mềm quản lý bệnh viện”. Sau một thời gian cùng với đội ngũ kỹ sư tin học vật lộn với bao khó khăn (khó khăn nhất là tạo sự thống nhất về nhận thức), năm 2004, phần mềm bắt đầu được ứng dụng. Hệ thống hơn 100 máy vi tính được nối mạng, mọi hoạt động của bệnh viện được “hòa mạng”. Giám đốc, trưởng khoa có thể ngồi tại chỗ theo dõi mọi hoạt động của khoa, của bệnh viện. Một đơn thuốc được kê, một mũi tiêm được thực hiện, một bệnh nhân ra viện, một ca khó chưa xử lý... tất cả đều “nhấp nháy” trên màn hình.
Thế là, trước kia, 90% số người bệnh ra cửa hàng “tư nhân” quanh bệnh viện mua thuốc, thì nay mua ngay trong bệnh viện để vừa không “hành” bệnh nhân, vừa quản lý được “đức” của người thầy thuốc thông qua giá thuốc (anh Dũng nhấn mạnh trong Hội đồng quân nhân khi thông qua kế hoạch cải tiến chế độ kê đơn, cấp thuốc: “Phải minh bạch mới không dám tiêu cực”).
Chỉ huy bệnh viện quyết định cải tiến chế độ kê đơn, phát thuốc, xây dựng tủ thuốc bệnh viện. Các cơ sở dược trúng thầu, khi giao thuốc cho bệnh viện, phải niêm yết giá cả từng loại thuốc và những thông tin khác. Bác sĩ mỗi lần kê đơn trên mạng, máy vi tính tự động nhập tên thuốc, tính giá tiền theo “chuẩn” đã được đấu thầu, không còn chuyện tự ý nâng giá hay thay đổi tên thuốc. Và ngay sau đó, mặc dù không cấm, không xóa, nhưng toàn bộ hệ thống phòng khám tư, tủ thuốc tư phải đóng cửa vì “hết bệnh nhân”. Cơ chế quản lý, điều hành mới được “tin học hóa” tính ra đã giảm thất thoát tài chính của bệnh viện tới 90%, còn lòng tin của người bệnh vào bệnh viện thì đúng là không thể tính được bằng tiền. Và từ “tin học hóa” đã góp phần xây dựng “y đức” trong bệnh viện. Về sau, phần mềm được trao tặng Giải thưởng Sao Khuê và được hàng loạt bệnh viện trong, ngoài quân đội ứng dụng.
“Cú hích” tiếp theo mà Giám đốc Vũ Hữu Dũng đưa ra, đó là phát động phong trào “Ba không, ba nên”. “Ba không” gồm: Không phiền hà, vòi vĩnh bệnh nhân; không bớt xén thuốc, thu “lệ phí ngầm”; không đưa bệnh nhân ra ngoài điều trị. Còn “ba nên” là: Nên coi bệnh nhân như người thân của mình; nên đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; nên không ngừng học tập vươn lên.
Chỉ có 4 từ, nhưng phong trào thật sự là một cuộc “cách mạng” bởi nó đụng chạm đến tất cả những mảng tối, khâu yếu trong bệnh viện. Làm giám đốc, nhìn thẳng vào sự thật, anh đã nhận ra còn rất nhiều bất cập trong khám, chữa bệnh. Không phải không còn tệ phong bì, vòi vĩnh bệnh nhân. Cơ chế quản lý kiểu “xin - cho” dẫn đến hình thành “hệ thống” phòng khám riêng, tủ thuốc riêng, quầy thuốc riêng của đội ngũ y, bác sĩ. Vì hám lợi, có người đã bớt xén thuốc, “chân ngoài dài hơn chân trong”, “Tại viện thì khám qua loa, còn bệnh nhân về nhà thì trông nom, săn sóc…”. Anh bàn với ban giám đốc, phải chấn chỉnh và xốc lại tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc như lời Bác dạy “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là như người mẹ hiền”, dù biết đây sẽ là một “cuộc chiến” lâu dài...
Làm gì để giải bài toán này? Siết chặt quản lý nhưng phải có lý có tình, đề cao y đức, chống trục lợi nhưng phải gắn với chăm lo đời sống cán bộ, nhân viên. Anh chỉ đạo: Những khoản thất thu ngày trước nay quản lý được, quay trở lại phục vụ chính đội ngũ y, bác sĩ bằng chính “y đức” của mình qua chế độ thưởng phạt công minh. Người nào được nhiều thư khen, ý kiến nhận xét tốt đẹp của người bệnh, người đó được thưởng nhiều hơn. Người nào làm việc ngoài giờ nhiều hơn, trực nhiều hơn, tham gia những ca phức tạp hơn, thù lao cao hơn...
“Ba không, ba nên” từ khẩu hiệu đã trở thành “nếp sống Viện 5”. Bệnh viện từ chỗ èo uột đã vươn lên trở thành một trong những bệnh viện “sáng” về y đức của cả nước và lần thứ hai được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Nhắc tới bác sĩ Vũ Hữu Dũng, người ta không nghĩ về người giữ cương vị chỉ huy cao nhất bệnh viện, mà nhớ đến hình ảnh một bác sĩ thường hay vận “thường phục” để “vi hành” xuống các phòng bệnh, và rồi thao thức, trăn trở khi bệnh nhân vẫn còn thiếu một chiếc chăn để đắp lên mình…
Giữ trọn lời thề
- Lời thề Hy-pô-crát: “Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng” - lời thề y đức mà bất kỳ ai bước vào ngành y đều được học, đều nhớ, thậm chí rất thuộc, nhưng không dễ thực hiện-Anh Dũng trả lời như vậy khi tôi hỏi điều gì đã khiến anh luôn trăn trở với từ “y đức”.
Bố mất khi anh vừa tròn 5 tuổi, 5 mẹ con rau cháo nuôi nhau trong cảnh nghèo xơ xác nhưng anh vẫn nỗ lực vươn lên và học giỏi. Từ thuở ấy, trong anh luôn canh cánh lời dạy của mẹ như kim chỉ nam cho cuộc sống của mình: “Rách cho thơm, con ạ”. Và lời thề y đức như hòa cùng phương châm sống đó, để rồi, khi trở thành người thầy thuốc nhân dân như bây giờ, anh Dũng chưa một lần “chệch chuẩn”.
Mang theo lời thề y đức ấy về với nơi công tác mới, với cương vị mới - Phó Chính ủy học viện Quân y, anh Dũng lại lấy đó làm gốc để cùng lãnh đạo, chỉ huy đơn vị vạch ra chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo thế hệ đi sau, vẫn một tâm nguyện giữ ngọn lửa y đức cháy mãi trong các thế hệ của ngành y. Với ý nghĩ, bắt đầu rèn luyện y đức cũng như chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hàng loạt các chương trình hành động được anh hưởng ứng và sâu sát: “Học thực chất, thi thực chất”; “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; rồi đến việc củng cố ban cán sự học tập, giúp nhau cùng tiến bộ, chống bỏ giờ lên lớp…
Tuy thời gian công tác ở Học viện Quân y chưa lâu, nhưng khi đến đây, tôi được nghe nhiều đồng chí, đồng nghiệp kể về anh với sự trân trọng và lòng cảm mến sâu sắc. Với một cương vị, chức trách mới, không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu, nhưng bác sĩ Vũ Hữu Dũng luôn tích cực tự học, tự rèn, học hỏi và lắng nghe đồng nghiệp cùng những người đi trước với tinh thần cầu thị và đức tính khiêm nhường. Dù ở đâu, tố chất của một lương y trong anh luôn cháy sáng.
Thức cùng niềm trăn trở
Khuôn mặt hốc hác sau một đêm thức cùng luận án tiến sĩ còn dang dở, anh Dũng vẫn mở đầu câu chuyện với tôi bằng nụ cười tươi cùng cái bắt tay thật chặt. Phút đầu gặp anh, tôi nhớ ngay đến lời của một đồng nghiệp: “Đó là người sống giản dị, khiêm tốn nhưng thành tích lại không hề như thế”. Quả thực, nếu không tìm hiểu trước, có lẽ tôi thật khó có thể liệt kê thành tích của người thầy thuốc nhân dân này, bởi anh “ngại” nói về thành tích của bản thân. Có chăng cũng chỉ là nụ cười hiền khô, cùng câu trả lời hết sức khiêm tốn:
- Chính nhiệm vụ, chức trách tạo cơ hội cho mình làm được những điều như thế.
Anh nói vỏn vẹn một câu như vậy khi tôi nhắc đến những thành tích: Năm 2005 là chiến sĩ thi đua toàn quân, được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2000-2004, Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thành tích xuất sắc trong phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; năm 2006 được nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba; năm 2007 là chiến sĩ thi đua toàn quốc, được tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng về thành tích xuất sắc góp phần giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão số 5; năm 2008 được nhận Bằng khen của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về thành tích xuất sắc trong an toàn vệ sinh lao động…
- Có thời gian công tác ở Bệnh viện Quân y 5 (Quân khu 3), 10 năm anh đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua? – Câu hỏi của tôi như chạm vào miền ký ức thiêng liêng. Nơi ấy, thầy thuốc nhân dân Vũ Hữu Dũng để lại biết bao sự tin yêu trong bệnh nhân và đồng nghiệp. Nơi ấy, không đếm được những đêm anh thức trắng cùng niềm trăn trở: Xây dựng Bệnh viện vững mạnh, lấy y đức làm điểm xuất phát và bệ phóng để đi lên.
Theo báo QĐND