Góp phần phát triển nền y học Việt Nam

Cập nhật: 7h7 | 12/03/2009

- Bằng trí tuệ, tài năng, sự tận tụy và lòng trung thành, các thế hệ thầy thuốc - thầy giáo đã xây dựng Học viện Quân y thành trung tâm y học hàng đầu của quân đội, một trung tâm khoa học lớn của cả nước, góp phần quan trọng phát triển ngành quân y và nền Y học Việt Nam

Bám sát nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân qua các thời kỳ và yêu cầu của cuộc sống, Học viện Quân y thường xuyên đổi mới chương trình, mục tiêu đào tạo và phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức cơ bản chuyên ngành và khoa học xã hội nhân văn; là một trong những trường đại học Y dược đầu tiên ở Việt Nam tổ chức đào tạo sau đại học, là cái nôi thu hút cán bộ, học sinh giỏi đến học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên ngành, Học viện Quân y đã đào tạo cho quân đội và đất nước khoảng 60 nghìn cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 600 tiến sĩ, hơn 6.000 thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2, gần 22 nghìn bác sĩ, dược sĩ, cử nhân điều dưỡng, cử nhân kỹ thuật và hơn 34 nghìn nhân viên y tế. Với uy tín và chất lượng hiệu quả đào tạo, Học viện Quân y đã được Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo bác sĩ đa khoa cử tuyển cho các tỉnh ở Tây Nguyên. Qua sáu năm triển khai thực hiện, đến nay có hơn 500 học viên là con em của 35 dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên được tuyển chọn về Học viện Quân y học tập và gần 100 học viên đang học dự khóa. Với đối tượng học viên này, Học viện có chương trình, phương pháp giảng dạy riêng, bảo đảm tốt nghiệp ra trường sẽ là những cán bộ nòng cốt chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.

 

Thực hiện chủ trương của Ðảng, Nhà nước về tăng cường đoàn kết, hợp tác với nước Lào và Cam-pu-chia, Học viện Quân y đã đào tạo cho các nước bạn gần 600 thầy thuốc từ bậc trung cấp đến tiến sĩ. Hiện nay, gần 100 học viên của hai nước đang học tập, nghiên cứu tại Học viện.

 

Nghiên cứu phát triển khoa học chuyên ngành là điểm mạnh, là niềm tự hào của Học viện Quân y, Nhiều dự án, đề tài cấp Nhà nước về y - dược do Học viện Quân y tiến hành nghiên cứu được đánh giá có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của ngành y tế và sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Học viện có đề tài "Nghiên cứu hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin do đế quốc Mỹ gây ra trong chiến tranh xâm lược Việt Nam" làm cơ sở khoa học tố cáo tội ác chiến tranh và phục vụ vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ của các nạn nhân. Trước nhu cầu cứu chữa người bệnh bị tổn thương giai đoạn cuối, đầu những năm 90 của thế kỷ 20, đội ngũ thầy thuốc và cán bộ khoa học của Học viện Quân y triển khai nghiên cứu các công trình ghép tạng, trước hết là ghép thận. Ngày 4-6-1992, phối hợp các nhà khoa học trong nước và quốc tế, ca ghép thận đầu tiên trên người ở Việt Nam đã thành công ở Học viện Quân y; ca ghép thận thứ hai cũng do Học viện Quân y thực hiện ngày 5-6-1992. Sau quá trình nghiên cứu, chuẩn bị công phu, ngày 31-1-2004, cùng với sự hợp tác của các thầy thuốc và nhà khoa học trong nước và quốc tế, Học viện Quân y đã thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam; bệnh nhân là cháu Nguyễn Thị Diệp, 9 tuổi, ở xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Ðịnh... Chỉ tính từ năm 1981 đến 2008, Học viện đã hoàn thành 2.420 đề tài và gần 1.278 sáng kiến kỹ thuật, trong đó có 48 đề tài, dự án cấp Nhà nước, hơn 300 đề tài và sáng kiến cấp bộ, ngành. Hầu hết các đề tài, sáng kiến được các Hội đồng khoa học nghiệm thu đánh giá có giá trị khoa học cao và được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn. Học viện Quân y là một trong những cơ sở y tế đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu, ứng dụng thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (tháng 6-2002). Em bé đầu tiên ở nước ta ra đời bằng phương pháp nuôi cấy tinh tử, thụ tinh trong ống nghiệm là ở Trung tâm Ðào tạo - Nghiên cứu công nghệ phôi của Học viện. Thành công ấy là bước phát triển mới của lĩnh vực sinh học và y học, là bước tiến vượt bậc trong điều trị vô sinh ở Việt Nam.

 

Làm cơ sở phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, Học viện Quân y là một trong những trường đi đầu về phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học. Ðã có 81 đề tài được trao giải thưởng, trong đó có nhiều đề tài đoạt giải nhất giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học" và giải thưởng "Sáng tạo VIFOTEC", hai đề tài đoạt giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO.

 

Thành công của Học viện Quân y đã mang lại sự sống, niềm vui, hạnh phúc cho hàng trăm nghìn người Việt Nam bị mắc các bệnh hiểm nghèo. Cụm công trình ghép tạng đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Ðề tài nghiên cứu bảo tồn quỹ gen và nhân giống sâm Ngọc Linh của Học viện vừa được cấp bằng độc quyền sáng chế.

 

BẰNG những cống hiến, những thành tích tiêu biểu, Học viện Quân y đã được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng LLVTND và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thiếu tướng, PGS, TS
NGUYỄN TIẾN BÌNH
Giám đốc Học viện Quân y

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN QUÂN Y - BỘ QUỐC PHÒNG
Địa chỉ: Số 160 - Đường Phùng Hưng - Phường Phúc La - Quận Hà Đông - Thành phố Hà Nội
Trưởng ban biên tập: Trung tướng PGS. TS. Nguyễn Xuân Kiên - Giám đốc Học viện Quân y
Giấy phép số 122/GP-TTĐT ngày 23/09/2008 của Bộ TT&TT
Thiết kế bởi Ban CNTT - Phòng KHQS - Học viện Quân y
Nhà cái Thabet: https://thabet.asia/