QĐND - Ở Bệnh viện 103 (Học viện Quân y), những bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bộ môn-Khoa Y học hạt nhân là những bệnh nhân thật đặc biệt. Họ cũng như người thân của họ chất chứa những âu lo, hồi hộp về tình trạng bệnh tật và hơn hết, họ kỳ vọng vào các y, bác sĩ, bởi với họ, đến khoa cũng đồng nghĩa với suy nghĩ “rất có thể mình bị ung thư…”.
Ứng dụng trang thiết bị hiện đại trong điều trị tại Bộ môn-Khoa Y học hạt nhân
Thực tế những con số tại Bộ môn-Khoa Y học hạt nhân cũng chứng minh điều đó. Những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh ung thư như: Ung thư vòm họng, vú, lưỡi-sàn miệng, hạ họng-thanh quản, phổi-phế quản, tuyến giáp, cổ tử cung-tử cung tăng khá nhanh. Năm 2010, Khoa Y học hạt nhân đã thu dung và điều trị cho hơn 1.700 lượt bệnh nhân, chẩn đoán ghi hình phóng xạ trên máy SPECT cho hơn 700 trường hợp. Tại đây thường xuyên có từ 50 đến 60 bệnh nhân nội trú.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Danh Thanh, Chủ nhiệm Bộ môn-Khoa Y học hạt nhân tâm sự: “Đội ngũ các thầy thuốc của khoa luôn tâm niệm, việc tiếp xúc và chữa trị với bệnh nhân phải thật sự như người mẹ hiền. Những lời tâm sự, động viên, tư vấn của y, bác sĩ đối với người bệnh là vô cùng quan trọng. Khoa luôn đặt chất lượng điều trị lên hàng đầu, nhưng thái độ chăm sóc người bệnh, đặc biệt với những bệnh nhân đã xác định bị ung thư là vô cùng quan trọng. Đội ngũ y, bác sĩ trong khoa luôn làm tốt việc thăm khám, tư vấn điều trị cho người bệnh hằng ngày. Điều này tạo cho người bệnh niềm tin trong điều trị. Thực tế cũng chứng minh, với những bệnh nhân vào điều trị tại khoa hầu hết họ là những bệnh nhân nghèo. Điều trị các bệnh liên quan đến ung thư là rất tốn kém, vì thế, việc tư vấn cho người bệnh điều trị như thế nào cho hiệu quả mà chi phí thấp nhất luôn được các y, bác sĩ của khoa chú tâm. Hiện khoa đang thực hiện nhiều kỹ thuật chẩn đoán, phác đồ hóa xạ trị được triển khai áp dụng như: Hóa trị ung thư vòm họng, vú, phổi, đại trực tràng, tiền liệt tuyến…; xạ trị giảm đau bằng chiếu xạ ngoài, bằng P-32; điều trị bệnh da hồng cầu bằng P-32; xạ trị toàn thân phát hiện ung thư di căn xương; xạ hình u máu trong gan; xạ hình thận, túi thừa Meckel…, điều trị Basedow, ung thư giáp thể biệt hóa sau phẫu thuật bằng I-131…
Đại tá, thạc sĩ Nguyễn Kim Lưu, Chủ nhiệm Khoa cho biết: Nhiệm vụ của khoa khá nặng nề do lượng bệnh nhân ngày một tăng, tình trạng bệnh ngày một diễn biến phức tạp. Chẩn đoán và điều trị cho người bệnh đặc biệt quan trọng. Trong điều kiện trang thiết bị chưa thực sự hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu càng đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ y, bác sĩ. Cùng với việc chủ động đào tạo, tạo điều kiện cho đội ngũ y, bác sĩ được đi học, nâng cao trình độ tay nghề, khoa còn chú trọng liên kết hợp tác với các bệnh viện có chuyên ngành để hỗ trợ, phối hợp trong công tác. Riêng Bệnh viện 103 là bệnh viện đa khoa nên việc kết hợp điều trị cho người bệnh giữa các khoa cũng là yếu tố thuận lợi.
Hiện tại, nhiều thầy thuốc của Bộ môn-khoa vừa là những người trực tiếp điều trị cho người bệnh, vừa là những người trực tiếp làm công tác nghiên cứu, giảng dạy. Chính vì vậy, nhiều kiến thức, thành tựu mới của y học hạt nhân được ứng dụng ngay vào việc điều trị người bệnh. Bộ môn-Khoa Y học hạt nhân của Học viện Quân y là địa chỉ duy nhất trong cả nước được Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học chuyên ngành y học hạt nhân. Cùng với khám và điều trị bệnh, Bộ môn-khoa còn tích cực thực hiện nghiên cứu khoa học.
Trước đây, dưới sự chủ trì của GS.TSKH Nguyễn Xuân Phách, nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ, một số đề tài cơ sở được triển khai và hoàn thành. Những kết quả nghiên cứu về thuốc chống phóng xạ, thuốc thải có nguồn gốc từ thiên nhiên đã được ứng dụng mang lại hiệu quả khả quan. Trong những năm gần đây, một số hướng nghiên cứu đạt kết quả tốt như chẩn đoán và điều trị bệnh lý tuyến giáp bằng đồng vị phóng xạ; các phác đồ phối kết hợp (hóa-xạ trị; phẫu thuật với xạ trị…) trong điều trị bệnh nhân ưng thư, xác định kích thước tuyến giáp bình thường bằng siêu âm, xạ hình… Đặc biệt, Bộ môn-khoa còn hợp tác có hiệu quả với các cơ quan đơn vị khác như: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện Y học phóng xạ và u bướu quân đội, Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện U bướu Hà Nội… để triển khai ứng dụng những thành tựu của y học hạt nhân vào điều trị cho người bệnh. Nơi đây thực sự trở thành địa chỉ tin cậy của người bệnh.
Bài và ảnh: Vân Sơn