Trước tình trạng dịch cúm A (H1N1) và các dịch bệnh khác có nguy cơ lan rộng, Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) đã tăng cường nhân lực, trang thiết bị, cơ sở điều trị để phòng, chống có hiệu quả với dịch bệnh nguy hiểm.
Hiện tại số bệnh nhân điều trị tại Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện tăng mạnh so với bình thường. Chiều 17-6, khi chúng tôi đến, tất cả các giường điều trị đều kín bệnh nhân. Khu điều trị cho nhân dân đã có tình trạng nằm ghép đôi. Phần lớn số bệnh nhân nhập viện tại Khoa Truyền nhiễm đợt này bị các bệnh như tiêu chảy, sốt xuất huyết, bệnh dịch về mùa hè, cúm thông thường... Chỉ riêng trong đợt tháng 5 này, đã có 171 ca tiêu chảy nhập viện, trong đó có 21 ca dương tính với phẩy khuẩn tả.
Thực hiện kế hoạch “hành động khẩn cấp phòng, chống dịch cúm ở người và các dịch cúm lạ nguy hiểm khác trong quân đội” của Bộ Quốc phòng, Bệnh viện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh. Dịch cúm A (H1N1) là loại bệnh hoàn toàn mới lạ đối với tuyến y tế ở cơ sở. Thượng tá Trần Viết Tiến, Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm đưa ra những dấu hiệu nhận biết và phương pháp xử lý ban đầu. Đây là những kiến thức rất cần thiết cho tuyến y tế ở các đơn vị trong quân đội. Triệu chứng lâm sàng ở các bệnh nhân này là sốt, có hội chứng viêm đường hô hấp, có yếu tố dịch tễ (người đi công tác ở nước ngoài về, người nước ngoài đến Việt Nam, người đã tiếp xúc với bệnh nhân). Nếu thấy những biểu hiện như vậy đều phải đưa vào khu cách ly để theo dõi điều trị.
Đồng chí cũng khuyến cáo: Mọi người không nên quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan với dịch bệnh này. Hiện nay việc điều trị bệnh nhân cúm A (H1N1) đã có phác đồ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thuốc quan trọng nhất để điều trị vẫn là Tamiflu. Tuy nhiên, để xác định được bệnh nhân có đúng là nhiễm cúm A (H1N1) hay không thì vẫn phải qua xét nghiệm. Đối với quân nhân, nếu có những triệu chứng của loại cúm này như đã hướng dẫn thì phải báo về Cục Quân y để Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội đến trực tiếp lấy bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm. Một yếu tố rất quan trọng dẫn đến dịch bệnh theo nghiên cứu riêng của Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện 103 cho thấy: Tại Mê-hi-cô và Hoa Kỳ, vùng dịch phát sinh thì có khoảng 20-30% bệnh nhân có thêm yếu tố tiêu chảy cấp. Điều này rất cần được chú ý để xử lý phân, rác thải của bệnh nhân. Việc xử lý phân và rác thải này phải dùng cloramin B.
Bệnh viện 103 đã dành một khu vực cách ly tuyệt đối để điều trị bệnh nhân cúm A (H1N1) khi có dịch. Khu vực này có đầy đủ thuốc dự trữ cùng các thiết bị máy móc, phương tiện, dụng cụ phòng, chống lây nhiễm... Khu cách ly được chia thành hai khu vực. Khu vực 1 để cách ly và điều trị những trường hợp đã xác định được bệnh bao gồm có lâm sàng và xét nghiệm thấy. Khu vực 2 dành cho các trường hợp bệnh nghi ngờ, biểu hiện lâm sàng, dịch tễ nhưng chưa có kết quả xét nghiệm.
Thượng tá Trần Viết Tiến khẳng định, bệnh viện hoàn toàn đủ khả năng xử lý các bệnh nhân của dịch bệnh này. Sau khi được tập huấn ở Bộ Y tế về dịch cúm A (H1N1), bệnh viện đã tập huấn lại cho cán bộ, y, bác sĩ. Bệnh viện 103 cũng dự kiến các tình huống: Nếu trường hợp số bệnh nhân trong tầm kiểm soát thì Khoa Truyền nhiễm sẽ đảm nhiệm. Trường hợp số bệnh nhân lớn hơn 60 người thì toàn bộ Khoa Truyền nhiễm sẽ sử dụng làm khu cách ly điều trị, số y bác sĩ sẽ được tăng cường. Nếu đại dịch lan mạnh thì sẽ sử dụng các khu vực khác làm khu cách ly. Riêng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến cũng đã được xây dựng xong. Kinh nghiệm có được trong xử lý bệnh nhân đợt dịch cúm A (H5N1) trước đây đã được kế thừa. Lúc đó, bệnh viện dã chiến cũng được triển khai. Học viện Quân y chỉ đạo bệnh viện sử dụng tới 200 sinh viên Học viện Quân y năm cuối, tổ chức tập huấn sẵn sàng tăng cường cho việc phòng, chống cúm A (H5N1). Đây là những kinh nghiệm có thể áp dụng trong đợt này.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH TUẤN